Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội của nước ta cao hơn mức trung bình thế giới

Chiều 17-10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và ký chương trình phối hợp công tác với T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ, bình đẳng giới.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện việc thi hành luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kể từ khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành đến nay. Báo cáo cho biết, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp trong 10 năm qua có sự tăng lên: nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên T.Ư Đảng tăng lên liên tiếp trong ba nhiệm kỳ.

Đáng chú ý, lần đầu có Chủ tịch Quốc hội là nữ và có ba nữ Ủy viên Bộ Chính trị; tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội của Việt Nam đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% thế giới và 18,6% của châu Á. Có 13 trong số 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16 trong số 63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% (năm 2009) lên 27,8% vào năm 2017 (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông - Nam Á và xếp thứ 19 trong số 54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân; xếp thứ bảy trong số 54 các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%...