Triển khai phương án hút dầu trên tàu Bạch Đằng bị chìm tại biển Mũi Né

NDO -

Sáng 20-3, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận đã ký phê duyệt phương án hút dầu trên tàu Bạch Đằng bị chìm tại vùng biển Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận) phòng ngừa ô nhiễm sự cố tràn dầu. Dự kiến, thời gian thực hiện hút dầu khoảng hai ngày và được bắt đầu vào sáng ngày 21-3.

Tàu Bạch Đằng chở 1.500 tấn tro bay bị chìm tại vùng biển Mũi Né chỉ cách bờ khoảng 300 m.
Tàu Bạch Đằng chở 1.500 tấn tro bay bị chìm tại vùng biển Mũi Né chỉ cách bờ khoảng 300 m.

Theo đó, phương án hút dầu do Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm (Công ty Trường Tâm) có trụ sở tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) lập. Đây là đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư ĐMK (là chủ tàu Bạch Đằng) thực hiện việc hút dầu, đặt phao quây dầu và đặt cảnh giới tàu Bạch Đằng chìm tại khu vực vùng biển Mũi Né.

Nội dung phương án hút dầu của Công ty Trường Tâm được thực hiện theo các bước: Tập kết phương tiện, trang thiết bị đến vị trí tàu Bạch Đằng bị chìm, xác định vị trí thả neo và tiến hành định vị tàu phục vụ cho công tác hút dầu; thả phao vây, phao quây dầu được thả chung quanh phía sau lái tàu; ráp hệ thống ống bơm hút dầu vào ống thông hơi của két dầu trên tàu và thực hiện việc bơm hút dầu từ tàu Bạch Đằng lên két chứa của tàu lặn. Sau đó di chuyển dầu vào bờ và đưa về nơi xử lý.

Ngay sau khi đơn vị thực hiện hút dầu cùng với chủ tàu hoàn chỉnh các thủ tục khai báo về nhân lực, thông số kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị phục vụ hút dầu cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ triển khai công việc.

Trước đó, vào tối ngày 19-3, tại Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, đại diện lãnh đạo sở cùng với các đơn vị, cơ quan chuyên ngành gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận; UBND TP Phan Thiết cùng một số đơn vị chuyên ngành trực thuộc Sở TN-MT  đã nghe và xem xét nội dung phương án bơm hút dầu từ tàu Bạch Đằng do Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm trình bày.

Triển khai phương án hút dầu trên tàu Bạch Đằng bị chìm tại biển Mũi Né -0
Họp thông qua phương án bơm hút dầu từ tàu Bạch Đằng bị chìm tại vùng biển Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Tại cuộc họp, các thành viên cho ý kiến điều chỉnh lại tên phương án là: Phương án giải quyết phòng ngừa ô nhiễm sự cố tràn dầu từ tàu Bạch Đằng SG-8981. Bổ sung các căn cứ pháp lý để thực hiện bơm hút dầu; bổ sung thông số kỹ thuật của các thiết bị và phương tiện hút dầu; bản vẽ bố trí sơ đồ tàu Bạch Đằng; tình trạng thời tiết, khí tượng, thủy văn, vị trí tọa độ của tàu; bổ sung chứng chỉ của các thành viên tham gia thực hiện.

Tham gia thực hiện hút dầu là một đội năm người gồm có một chỉ huy và bốn công nhân, thợ lặn. Các phương tiện, thiết bị phục vụ hút dầu gồm có: một tàu phục vụ hút dầu (có bồn chứa dầu, máy bơm công suất 500m3/giờ) làm nhiệm vụ trực an toàn, cảnh giới thu gom dầu; một tàu phục vụ lặn (có máy nén khí, các thiết bị và trang thiết bị phục vụ cho thợ lặn) trực cứu hộ; phao chống tràn dầu hàng hải dài 200 mét, chiều cao 1,1 mét; một thùng tấm thấm dầu và một số thiết bị cần thiết khác như neo, dây cáp… Ngoài ra, còn bổ sung thêm một tàu triển khai phao quay, thu gom dầu rơi vãi trong quá trình thực hiện hút dầu theo góp ý của Sở TN-MT tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Công ty Trường Tâm, chỉ huy trưởng hiện trường cho biết, do tàu chìm nhưng vẫn còn nổi một phần trên mặt biển nên phao quay dầu thả theo hình chữ U đón dòng chảy con nước tính từ phần nổi của tàu; thời gian thực hiện hút hết dầu lượng dầu trên tàu (khoảng 2.000 lít được chứa trong hai két dầu) khoảng từ 1 – 2 tiếng. Sau đó dầu sẽ được vận chuyển về Cảng Phan Thiết và đơn vị thực hiện hút dầu đưa về nơi xử lý.

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết, trong suốt quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đại diện chủ tàu và đơn vị thực hiện hút dầu phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và địa phương để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông hàng hải chung quanh khu vực thi công. Do dầu được bơm hút từ tàu Bạch Đằng lẫn với nước nên được coi là chất thải nguy hại. Vì vậy Sở TN-MT tỉnh yêu cầu đơn vị hút dầu phải ký hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại được cấp phép để xử lý lượng dầu này.

Như Nhân Dân điện tử đã đưa tin, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 15-3-2021, tàu vận tải Bạch Đằng; trọng tải 2.560 tấn, trên tàu gồm bảy thuyền viên, thuyền trường là Nguyễn Đức Trung, sinh năm 1986, trú Thanh Hóa; tàu chở 1.500 tấn tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 hành trình từ Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Khi hành trình đến khu vực biển Bãi Sau, Mũi Né (TP Phan Thiết) cách bờ khoảng 0,5 hải lý thì bất ngờ bị chìm. Thời tiết khu vực lúc đó có gió cấp 4, cấp 5; sóng cao từ 1,5 – 1,7 m. Toàn bộ bảy thuyền viên trên tàu được cứu nạn và đưa vào bờ an toàn. Trên tàu còn khoảng 2.000 lít dầu chạy máy được chứa trong hai két được đóng kín van; 1.500 tấn tro bay được chứa trong các thùng chuyên dùng, bảo đảm độ kín tuyệt đối nên không có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Tàu chìm hiện cách bờ 300m, thuộc khu vực biển bãi Sau, Mũi Né, TP Phan Thiết.

Không có nguy cơ ảnh hưởng môi trường do tàu chở 1.500 tấn tro bay chìm