Triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 20-2, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này.

Cán bộ thú y phun hóa chất khử trùng tại xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ảnh: Minh Phúc
Cán bộ thú y phun hóa chất khử trùng tại xã Ðông Ðô, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ảnh: Minh Phúc

Theo đó, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo quy định của Luật Thú y, Công điện số 1194/CÐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lây lan tại Việt Nam.

Ðồng thời, yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh dịch. Ðề nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chỉ đạo MTTQ các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi...

★ Liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xuất hiện tại hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, đến thời điểm này, hai địa phương nói trên đã cơ bản khống chế được các ổ dịch. Do đây là bệnh mới, không lây lan sang người, cho nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như rắc vôi bột chung quanh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, đến ngày 20-2, hai xã Yên Hòa (Yên Mỹ) và Trung Nghĩa (TP Hưng Yên), đã tiêu hủy 450 con lợn của chín hộ gia đình. Hai xã có dịch tả lợn châu Phi và TP Hưng Yên đã thành lập các chốt kiểm dịch và sử dụng 11 tấn vôi bột, 620 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại khu vực hố chôn và phạm vi toàn xã. Trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ xuất khoảng sáu tấn hóa chất sát trùng, cùng nguồn hóa chất sát trùng của các huyện, xã và hộ chăn nuôi, tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong phạm vi toàn tỉnh.

★ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, hiện dịch ASF trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không phát hiện thêm ổ dịch mới. Ðến nay, cơ quan chuyên môn thực hiện lấy 87 mẫu xét nghiệm tại các hộ chăn nuôi lợn chung quanh hộ có dịch và đều cho kết quả âm tính. Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh thành lập các chốt kiểm soát ra vào suốt 24 giờ trong ngày tại vùng có dịch là xã Ðông Ðô (huyện Hưng Hà), ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ở địa phương có phát sinh dịch bệnh ra khỏi địa bàn.

★ Ðồng Nai được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với đàn lợn hơn 2,4 triệu con, những ngày này, khi dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở miền bắc, cơ quan chức năng và người chăn nuôi ở Ðồng Nai đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập.

★ Ngày 20-2, theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Ðồng, từ đầu tháng 2 đến nay, một số địa phương của tỉnh đã xuất hiện ổ bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra trên đàn gia súc, cúm H5N6 trên gia cầm. Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai các biện pháp cô lập vùng có bệnh, tiêu độc khử trùng và tiêu hủy số gia súc, gia cầm nhiễm bệnh.

★ Ngày 20-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết: Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của đàn heo chết ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ dương tính với bệnh LMLM. Trước đó, nhiều hộ chăn nuôi heo ở xã Thạnh Phú có heo chết chưa rõ nguyên nhân. Lực lượng phòng, chống dịch bệnh tại địa phương đã xử lý số heo chết theo quy định.

★ Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trái ngược với kết quả tăng của năm 2018, xuất khẩu gạo từ đầu năm 2019 đến nay giảm mạnh. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, trong khi các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc. Ðiều này đang khiến giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm. Do đó, khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải thực hiện nghiêm túc việc thu mua dự trữ lưu thông cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu gạo đã có hợp đồng.

★ Ðể thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân, bảo đảm hiệu quả cho nông dân trồng lúa và chuẩn bị chân hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết, Hiệp hội đã đề nghị các hội viên tùy theo điều kiện thực tế chủ động thực hiện mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018/NÐ-CP. Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó.

★ Ðến nay, tại tỉnh Hậu Giang, vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 đã có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với diện tích hơn 23.000 ha trong tổng diện tích xuống giống hơn 78.000 ha. Ngày 20-2, tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân về tình hình bao tiêu lúa gạo vụ đông xuân, tỉnh mong muốn các bên cùng chia sẻ khó khăn để tháo gỡ cho lúa gạo trong tình hình hiện nay.