TP Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến hết năm 2020, vùng nông thôn của thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định, định hướng phát triển nông thôn mới lên đô thị nông nghiệp công nghệ cao.

Trồng hoa lan trong nhà lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trồng hoa lan trong nhà lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh ở xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Mục tiêu đặt ra, hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2020; các huyện Cần Giờ, Bình Chánh đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để đạt 50% xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố cũng triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh tập trung thực hiện các nhóm tiêu chí về quy hoạch; đẩy nhanh công tác triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại năm huyện và 56 xã đã được UBND thành phố phê duyệt; nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng nông thôn bảo đảm đồng bộ, kết nối phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Đối với kinh tế và tổ chức sản xuất, tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2019-2025; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ; tăng cường đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị công nghệ cao...

TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 56 xã giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng huyện nông thôn mới của năm huyện ngoại thành. Đến đầu năm 2020, bình quân mỗi xã đạt 18,66 trong số 19 tiêu chí, bình quân mỗi huyện đạt 7,2 trong số 9 tiêu chí, 31 trong số 56 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019.

* Tỉnh Ninh Thuận xác định việc đẩy mạnh xuất khẩu là chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp trong tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị; nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trên thị trường. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách đầu tư sản xuất cần được tháo gỡ.

Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, quy mô xuất khẩu của tỉnh còn khiêm tốn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt thấp và khó đạt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra (đạt 150 triệu USD năm 2020). Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh hầu như không thay đổi, chủ yếu là mặt hàng nông sản và thủy sản. Các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, chế biến còn hạn chế, việc đầu tư chiều sâu để xuất khẩu sản phẩm có giá trị còn gặp nhiều khó khăn….

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 150 triệu USD; tốc độ kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14% đến 15%/năm, Sở Công thương đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để bảo đảm quy mô cho xuất khẩu; phát triển thị trường; tăng cường biện pháp nhằm duy trì thị trường sản xuất ổn định; đồng thời, tiếp tục đồng hành, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Tỉnh xác định nhóm ngành ưu tiên, có giá trị lớn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là giai đoạn sau dịch Covid-19. Ninh Thuận đã quy hoạch vùng sản xuất cho từng nhóm ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất; song song quy hoạch, xây dựng cảng nước sâu Cà Ná phục vụ doanh nghiệp các khâu logistics, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong tương lai.