TP Hồ Chí Minh: Đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng

NDO -

NDĐT- Sáng 30-8, thông tin với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về công tác “thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: tính từ năm 2015 đến tháng 6- 2019, trên địa thành phố xảy ra 499 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Trong đó có 31 trẻ em trai (chiếm tỷ lệ 0,21 %) và 468 trẻ em gái (chiếm tỷ lệ 93,79 %).

Ngô Ngọc An (SN 1956, ngụ quận Bình Tân) bị phạt 24 tháng tù giam về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi".
Ngô Ngọc An (SN 1956, ngụ quận Bình Tân) bị phạt 24 tháng tù giam về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi".

Trong tổng số 499 trẻ em bị xâm hại, có hai trẻ em tử vong; hai trẻ em bị thương tật; bảy trẻ em bị rối loạn tâm thần; 64 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục và 424 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại.

Qua phân tích, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, từ những người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp đến những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên… Một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mặc dù pháp luật đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, còn thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

TP Hồ Chí Minh có hơn hai triệu trẻ em, trong đó có 1.057.334 trẻ em trai (chiếm tỷ lệ 51,52%) và 994.945 trẻ em gái (chiếm tỷ lệ 48,48%). Các sở ngành chức năng của thành phố cho rằng, với quy mô dân số đông (trẻ em chiếm khoảng 16,2 % dân số) như TP Hồ Chí Minh thì thách thức đặt ra mà thành phố phải tập trung giải quyết là quá tải trường học, bệnh viện, di cư, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm; trong đó có tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề thành phố cần tìm mọi giải pháp để ngăn ngừa tội phạm nguy hiểm này.

Các đại biểu tham gia giám sát đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em; qua đó đánh giá nghiêm túc hiệu quả của việc tuyên truyền, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; quan tâm nắm bắt và đánh giá vấn đề bạo lực gia đình đối với trẻ em.