Thực thi quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

Trong những năm qua, công tác trẻ em luôn được Ðảng, Chính phủ và cả xã hội cùng quan tâm, dành nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em. Ðiều này thể hiện rõ trong Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Gần đây nhất, Quốc hội có Nghị quyết số 81 giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Với sự quan tâm đó, Việt Nam được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm sáng trên thế giới về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn những mảng tối trong bức tranh toàn cảnh về trẻ em tại Việt Nam. Ðó là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em đã và đang gây nhức nhối trong xã hội, nhất là tình trạng này đang gia tăng, diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Ðể xảy ra tình trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em chính là gia đình và cộng đồng đang bị coi nhẹ. Gia đình ở đây là cha mẹ và người thân của trẻ em, còn cộng đồng bao gồm những cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương. Có thể thấy, gia đình chính là tế bào của xã hội, sự phát triển lành mạnh của trẻ em có vai trò rất lớn của người lớn, trong đó có cha mẹ, người thân. Ðiều đáng nói là, ngay cả bản thân người lớn cũng không nắm rõ luật để có thể bảo vệ con em mình. Nguyên nhân là do sự buông lỏng công tác quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành. Công tác phối hợp của các cơ quan trong việc bảo vệ quyền trẻ em còn có tình trạng mạnh ai người đấy làm. Khi xảy ra vụ việc xâm hại hoặc bạo hành, các cơ quan này thường chỉ lên tiếng chứ chưa thể hiện rõ trách nhiệm của mình. Hệ thống pháp luật hiện nay tuy có đầy đủ, nhưng tính răn đe lại chưa đủ. Việc khởi tố, xử lý các vụ xâm hại trẻ em rất khó, vì chưa phân định rạch ròi đúng - sai. Nhiều vụ việc gây bức xúc, căm phẫn trong dư luận nhưng lại thiếu chứng cứ, căn cứ pháp lý để xử lý.

Nhằm tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Theo các chuyên gia về trẻ em đánh giá, chỉ thị nêu trên không chỉ là văn bản quy phạm pháp luật, mà còn là mệnh lệnh từ Thủ tướng nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội về vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời nêu lên những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực hơn nhằm giải quyết vấn đề này. Thậm chí có thể coi chỉ thị là định hướng cho việc ban hành Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, trong quá trình triển khai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan, một số chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện yêu cầu xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương trong công tác thực thi quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trước nạn bạo lực, xâm hại.

Thực tế cũng chỉ ra, cần thay đổi phương pháp truyền thông một cách căn bản, bởi hiện nay việc truyền thông chủ yếu phục vụ lãnh đạo, chuyên viên chuyên trách công tác này mà chưa truyền tải một cách có hiệu quả đến cho đối tượng cần truyền thông. Một khảo sát nhanh của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện gần đây cho thấy, ở vùng nông thôn, có tới 40% người lớn không biết về Luật Trẻ em, chưa biết tới trẻ em có quyền gì. Phần lớn trẻ em nông thôn hiện nay không biết được mình có quyền gì. Do đó cần phủ sóng rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng, dành nhiều hơn nữa thời lượng giờ vàng trên các kênh truyền hình, chuyên mục trên báo, tạp chí, sử dụng các kênh tuyên truyền qua mạng xã hội, youtube... có đông đảo người tham gia, nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần đưa các tiêu chí về bảo vệ trẻ em thành một trong những tiêu chí đánh giá nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu tại địa phương.