Thừa Thiên - Huế thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Giai đoạn 2014 - 2019, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển khá bền vững, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân chung đạt 16%/năm và thu nhập bình quân đầu người không ngừng được nâng lên.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới.Ảnh: BÁ TRÍ
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới.Ảnh: BÁ TRÍ

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh tập trung phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật để từng bước thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giảm còn 25,52% vào cuối năm 2018.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm từ 2% đến 3%; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt từ 40 đến 42 triệu đồng; duy trì tỷ lệ 95% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế...

Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ đạo tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ðồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, giúp đỡ hộ nghèo, chăm lo tốt chế độ bảo hiểm y tế cho đồng bào.

* Thừa Thiên- Huế nõ lực nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Năm học 2019, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia của học sinh trong tỉnh Thanh Hóa cao hơn năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân được xác định là do giữa khu vực miền núi và miền xuôi còn khoảng cách nhất định. Ðội ngũ giáo viên vẫn thừa, thiếu cục bộ; chất lượng đầu vào của một số trường, nhất là trường khu vực miền núi còn thấp; công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ giữa các nhà trường; việc quản lý đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ, chưa thật sự khách quan...

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, tỉnh Thanh Hóa xác định trong thời gian tới sẽ tích cực thực hiện các đề án nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục khu vực miền núi, giáo dục ngoại ngữ. Tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại những giáo viên chưa đạt chuẩn; cương quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên đã qua đào tạo lại nhưng không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các nhà trường trên tất cả các mặt và giao chỉ tiêu cho các trường; thực hiện tốt công tác thi đua để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo một cách toàn diện. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, kết quả kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh đứng trong tốp 20 tỉnh, thành phố có thành tích tốt trong cả nước.