Thông báo cho các tàu, thuyền tránh vùng nguy hiểm của bão Kalmaegi

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, hôm nay (20-11), ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét. Do không khí lạnh, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.

Trên biển, bão Kalmaegi tiến gần Biển Đông, hồi 1 giờ ngày 19-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ vĩ bắc; 122,6 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía đông bắc đảo Lu-dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão. Đến 1 giờ ngày 20-11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,9 độ vĩ bắc; 120,8 độ kinh đông, ngay trên phía bắc đảo Lu-dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Trong ngày 21 và 22-11, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được 25-30 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới...

* Nhằm đối phó với bão Kalmaegi và gió mùa đông bắc, ngày 19-11, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai có Công điện số 18 gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cùng các bộ, ngành liên quan yêu cầu thông báo cho các tàu, thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão được xác định là phía đông kinh tuyến 119,0 độ kinh đông, phía bắc vĩ tuyến 17,5 độ vĩ bắc và được điều chỉnh theo các bản tin dự báo. Các địa phương, bộ, ngành liên quan sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ dung tích bình quân đạt từ 75% đến 85%, có hai hồ đang xả. Ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các hồ chứa nhỏ đã đầy nước. Khu vực Nam Trung Bộ, dung tích các hồ đạt từ 60% đến 80%, có một hồ đang xả. Khu vực Tây Nguyên, dung tích các hồ bình quân đạt từ 80% đến 92%, có bốn hồ đang xả.

* UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt dự án xây dựng công trình kè biển Hải Thành, Quang Phú, thành phố Đồng Hới với chiều dài 656m. Tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm xử lý cấp bách sạt lở biển, bảo vệ đất đai, tài sản và tính mạng của nhân dân mùa mưa lũ.

* Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), yêu cầu các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống sớm trước 15 đến 30 ngày so với cùng kỳ hằng năm để tránh hạn, mặn xâm nhập trong vụ lúa đông xuân 2019-2020. Tính đến trung tuần tháng 11, toàn vùng ĐBSCL, nông dân đã xuống giống vụ lúa đông xuân sớm với diện tích hơn 550 nghìn ha, tăng 30% so cùng kỳ năm 2018.

* TP Cần Thơ có kế hoạch xuống giống lúa đông xuân 2019-2020 với diện tích 80.170 ha. Để phòng tránh khô hạn, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp đã nạo vét kênh mương với tổng khối lượng 255.284 m3; gia cố sạt lở bờ sông 1.419m; đắp 27 đập... với kinh phí hơn 35,4 tỷ đồng, phục vụ hơn 13 nghìn ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng khô hạn.

* Những ngày qua, giá lợn hơi tại tỉnh Trà Vinh liên tục tăng cao. Cụ thể, ngày 18-11 ở mức 85 nghìn đồng/kg, tăng hơn 10 nghìn đồng/kg so với tuần trước. Nguyên nhân là do nguồn lợn được chăn nuôi ở các hộ dân trong tỉnh giảm hơn 50% tổng đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 79 nghìn con lợn và bố trí hơn 103 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 3.800 hộ dân có lợn bị tiêu hủy.

* Hiện, giá lợn hơi tại tỉnh Nghệ An đã ở mức 80 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân một phần là do thiếu nguồn cung do DTLCP, một phần vì tâm lý thấy giá lợn liên tục lên cao, nên người nuôi không vội xuất chuồng. Trong khi đó, các tiểu thương kinh doanh thịt lợn không tiếp cận được với các đầu mối cung cấp lợn hơi lớn là các công ty, trang trại mà hoàn toàn phụ thuộc nguồn cung của chăn nuôi nông hộ.

* Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tiêu hủy hơn 150 nghìn con lợn do DTLCP, chiếm hơn 30% tổng đàn lợn trên toàn tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu nguồn thực phẩm trong dịp Tết, trước mắt ngành chức năng hướng dẫn người dân chuyển đổi sang các con vật nuôi khác; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn lợn nhập về địa phương.

* Đồn Biên phòng Phú Hữu (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cho biết, vào tối 16-11, đơn vị phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép 53 con lợn, với trọng lượng hơn 3,7 tấn không có giấy tờ hợp lệ từ Cam-pu-chia về Việt Nam tại khu vực sông Hậu (thuộc ấp Quốc Phú, xã Phú Hữu, huyện An Phú). Chiều 17-11, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.

* Giá thủy sản tại tỉnh Khánh Hòa đang tăng trở lại, điển hình như: giá tôm hùm sao loại 1 ở mức 1,4 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh (loại 2 - 3 con/kg) lên 800 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Tỉnh có khoảng 50 nghìn lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, tập trung tại TP Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa.

Bốn ngư dân chết do ngạt khí

TTXVN - Trung tá Cao Công Đoàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) cho biết, khoảng 9 giờ 40 phút ngày 19-11, đơn vị nhận được yêu cầu cứu hộ của tàu cá mang số hiệu KG - 95195 TS, trên tàu có năm ngư dân bị ngạt khí, nguy kịch đến tính mạng.

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Tây Yên cử tổ công tác gồm năm người dùng ca-nô nhanh chóng đến hiện trường để ứng cứu. Khi lực lượng đến nơi, ba ngư dân bị nặng đã được sơ cứu và đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu, sau đó hai người còn lại cũng được ca-nô của đơn vị chuyển về bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, đến chiều 19-11, bốn người đã chết, một nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang. Theo Trung tá Cao Công Đoàn, tàu cá nói trên do ông Nguyễn Văn Dư (trú tại phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm chủ. Các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đang điều tra, làm rõ vụ việc.