Thí điểm hai hội đồng kỹ năng nghề du lịch - khách sạn và nông nghiệp

NDO -

NDĐT- Chiều ngày 15-11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ra mắt dự án thí điểm thành lập hai hội đồng kỹ năng nghề của ngành du lịch - khách sạn và nông nghiệp.

Đào tạo kỹ năng nghề tại Khoa Du lịch (Đại học Mở Hà Nội).
Đào tạo kỹ năng nghề tại Khoa Du lịch (Đại học Mở Hà Nội).

Theo đó, Hội đồng kỹ năng nghề ngành du lịch - khách sạn ra đời theo đề xuất của Australia, nhằm thực hiện Biên bản thỏa thuận giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ lựa chọn, giao đơn vị chuyên môn về kỹ năng nghề trực thuộc chủ trì, đề xuất thực hiện giúp Hội đồng kỹ năng ngành du lịch - khách sạn phối hợp Đại sứ quán Australia, các cơ quan chuyên môn, lập phê duyệt và kế hoạch chi tiết của dự án.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề ngành nông nghiệp tại Việt Nam theo đề xuất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cơ cấu hội đồng kỹ năng nghề này hiện có 18 thành viên, gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp về giống, phân bón, các đối tác quốc tế và phát triển….

Hội đồng kỹ năng nghề ngành nông nghiệp sẽ cập nhật kỹ năng về lĩnh vực nông nghiệp; góp ý kỹ thuật cho xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, giáo trình đào tạo vừa học vừa làm tại nhà trường hoặc doanh nghiệp; kỹ năng phát triển trong nông nghiệp…Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp ILO thành lập Hội đồng thí điểm, lựa chọn danh sách, đơn vị chuyên môn của cơ quan này tham gia.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, xây dựng Hội đồng kỹ năng nghề của hai ngành là cơ sở thúc đẩy, đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí cũng như tạo điều kiện để đào tạo đáp ứng nhu cầu, kỹ năng cho người lao động. Bộ luật Lao động của Việt Nam đã quy định khung trình độ kỹ năng nghề. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia có các hội đồng kỹ năng nghề về các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, hội đồng kỹ năng nghề đề xuất nhu cầu của thị trường lao động và của các ngành nghề, những kỹ năng thiếu hụt cũng như cần bổ sung của ngành đó. Hai hội đồng kỹ năng ngành tại Việt Nam mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia, Hội đồng Anh, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), ILO khởi động triển khai.

Ông Minh hy vọng, chương trình thí điểm này sẽ có hiệu quả và triển khai trong thời gian tới. Ông kỳ vọng, Hội đồng kỹ năng ngành đưa được nhu cầu của thị trường lao động vào từng tiêu chuẩn kỹ năng. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, tiêu chuẩn để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng nghề, theo từng bậc trình độ, giúp hệ thống giáo dục tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Mặt khác, căn cứ vào đề xuất, tiêu chuẩn của Hội đồng kỹ năng nghề, xây dựng bộ ngân hàng đề thi để tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động.

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, mỗi năm, ngành du lịch cần thêm gần 40 nghìn lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm. Trong đó, hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Cả nước hiện có hơn 1,3 triệu lao động trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong số này, chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang. Khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu vừa yếu. Đây cũng là lý do vì sao ngành du lịch luôn cần lao động được đào tạo bài bản.

Còn theo công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9 năm nay, nước ta có 19,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, chiếm tỷ lệ 35% trong lực lượng lao động.