Thế giới thời hậu Covid-19 và sự phục hồi kinh tế ở nước ta

VŨ KHOAN

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ

Gần đây, không ít nước rục rịch dỡ bỏ những biện pháp chống dịch và tái khởi động kinh tế. Nước ta cũng chủ trương thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa tiếp tục phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với nền kinh tế có độ mở cao vào loại hàng đầu thế giới, Việt Nam không thể không chịu tác động từ những gì diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy ta hãy thử dự báo xem thế giới thời "hậu Covid-19" sẽ ra sao để tiện đường định liệu…

 Thế giới thời hậu Covid-19 và sự phục hồi kinh tế ở nước ta

Câu hỏi đầu tiên là kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhanh hay chậm?

Căn cứ vào những gì đang diễn ra trên thế giới có thể hình dung quá trình phục hồi khó có thể theo hình chữ "V", tức là tăng vọt sau suy thoái. Sở dĩ vậy vì cuộc khủng hoảng lần này là nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Ðại suy thoái 1929 - 1932; Thống đốc Ngân hàng T.Ư Anh thậm chí còn nói kinh tế nước này suy giảm sâu nhất trong vòng 300 năm gần đây (!?). Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra lại diễn ra đồng thời với cuộc cạnh tranh gay gắt giữa một số nước lớn không chỉ về kinh tế, chính trị - an ninh mà cả trong công cuộc chống dịch nữa. Ðó là chưa kể giá dầu lửa trồi sụt khôn lường; vấn nạn biến đổi khí hậu cực đoan tiếp tục đe dọa cuộc sống nhân loại. Nói nôm na, cuộc khủng hoảng lần này thuộc loại "5 trong 1"! Sự phục hồi theo hình chữ V còn khó, nói chi tới sự phục hồi theo hình chữ W, nghĩa là "khủng hoảng và hồi phục kép". Ðiều đáng ngại là không thể loại trừ khả năng đại dịch bùng phát trở lại và một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ mới bùng nổ do tỷ lệ bội chi, nợ xấu và nợ công tại các nước đều rất cao.

Nếu những "quả bom nổ chậm" ấy phát nổ thì kinh tế thế giới chắc chắn sẽ rơi vào trạng thái hình chữ "L", tức là suy giảm mạnh rồi tiêu điều dài dài. Như vậy, khi đại dịch chấm dứt trên toàn cầu - điều mà chưa ai dám chắc là khi nào, kinh tế thế giới chỉ có thể phục hồi theo hình chữ "U", tức là từ từ đi lên. Ngay phương án này cũng không dễ gì vì bên cạnh hậu quả nặng nề do đại dịch gây ra, các quốc gia đều mở cửa trở lại theo kiểu "dò đá qua sông"; quá trình tái khởi động sẽ diễn ra với mức độ và lộ trình rất khác nhau. Hơn thế nữa, tất cả 10 nền kinh tế "đầu tàu" đều vướng vào đại dịch khá sâu. Cuộc suy thoái bùng phát năm 2008 nhẹ hơn nhiều về mức độ và phạm vi, nhưng cũng phải mất nhiều năm mới uể oải phục hồi, do đó khó trông đợi quá trình phục hồi lần này quá nhanh và quá mạnh.

Câu hỏi thứ hai là, quan hệ kinh tế quốc tế sẽ ra sao?

Có người cho rằng, xu thế toàn cầu hóa sẽ cáo chung. Tâm tư này càng đậm thêm do các chuỗi sản xuất và cung ứng bị đứt tung; chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng giành giật, đổ lỗi cho nhau gia tăng; vị thế các tổ chức đa phương như WHO, WTO,… bị thách thức. Tuy nhiên, trầm tĩnh nghĩ lại, ta có cơ sở để tin rằng, "toàn cầu hóa" sẽ không mất đi vì xu thế ấy vốn phản ánh nhu cầu khách quan của sự phát triển, nhưng sẽ chứng kiến những sự điều chỉnh. Trong thời "hậu Covid-19" sự chuyển dịch hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn, thông tin, giao thông vận tải, du lịch, lao động,… sẽ từng bước hồi lại nhưng với mức độ khá chậm chạp do mọi quốc gia đều ưu tiên dọn dẹp, kích cầu nội địa chứ chưa thể bung mạnh ra bên ngoài. Các chuỗi sản xuất và cung ứng sẽ được điều chỉnh đáng kể theo hướng "đa dạng hóa"; nổi lên là xu hướng nhiều nước công nghiệp phát triển rút các cơ sở sản xuất ra khỏi "công xưởng thế giới" là Trung Quốc về nước hoặc chuyển sang các khu vực khác, nhất là Ðông - Nam Á và Ấn Ðộ. Nói một cách khác, vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động kinh doanh xuất - nhập khẩu sẽ có sự đổi dòng đáng kể. Sự cọ xát giữa chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp diễn; vai trò một số thể chế toàn cầu, trong đó có WTO, cũng như luật lệ vận hành quan hệ kinh tế quốc tế sẽ được điều chỉnh.

Câu hỏi thứ ba là mô hình kinh tế và xã hội có thật sự thay đổi không và sẽ thay đổi theo hướng nào?

Trong cơn "bế quan tỏa cảng", "giãn cách xã hội", thiên hạ cho rằng cách làm ăn và lối sống trong thời "hậu Covid-19" sẽ khác trước. Ta hãy thử hình dung xem điều gì vẫn như trước, điều gì sẽ khác biệt? Lâu nay các nước đều hướng tới mô hình phát triển bền vững với ba nội hàm là tăng trưởng kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Chắc rằng sau đại dịch, mô hình này sẽ được duy trì với sự bổ sung những biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe con người theo hướng "giãn cách". Thí dụ gần đây, nhiều nước châu Âu đã quyết định đóng cửa nhiều đường phố đối với ô-tô để dành cho người đi xe đạp vừa nhằm cải thiện môi trường đô thị vừa hạn chế sự tiếp xúc đông người trên các phương tiện công cộng. Vừa qua những ổ dịch lớn đều xuất hiện tại các đại đô thị tập trung hàng chục triệu người dân; có thể sau dịch người ta sẽ thay đổi phương cách quy hoạch, tránh tạo nên những điểm quần cư quá lớn; thay vào đó là cách tiếp cận "giãn cách" cũng vì hai mục tiêu nêu trên. Trong cơ cấu sản xuất, rõ ràng kinh tế số đang và sẽ ngày càng lên ngôi; các ngành liên quan tới bảo vệ sức khỏe con người chắc cũng sẽ được đặc biệt chú trọng. Trước mắt, người ta sẽ ưu tiên mua sắm hàng hóa thiết yếu; tình trạng tiêu dùng phung phí sẽ bị tiết chế do thu nhập của đông đảo người dân thuyên giảm mạnh và ai ai cũng lo phòng thân trước cuộc sống bấp bênh. Thực trạng này sẽ càng khiến tổng cầu giảm sút, gây khó cho sự phục hồi kinh tế. Chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan sự gia tăng tình trạng tái nghèo và nghèo cùng cực; hố ngăn cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp dân cư và các quốc gia sẽ càng doãng rộng; thêm vào đó, nhu cầu việc làm càng thêm gay gắt dưới tác động của quá trình chuyển đổi số.

Làm việc, học hành, hội họp, kinh doanh - buôn bán, thậm chí giải trí,… trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến làm thay đổi lối sống và phương thức làm ăn. Tuy nhiên, nói như vậy thôi chứ nhu cầu tự nhiên của con người là giao tiếp và giao du rộng rãi, vả lại không phải việc nào cũng có thể "trực tuyến hóa" được cả. Ðại dịch và khủng hoảng kinh tế đang và sẽ tác động tới chính trường một số nước; phương cách quản trị quốc gia và doanh nghiệp sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi. "Ý thức cộng đồng" sẽ được quan tâm hơn thay cho tâm lý tuyệt đối hóa quyền "tự do cá nhân" tại các nước phương Tây. Tất nhiên quá trình thay đổi sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều và đều khắp ở mọi nơi mà tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và chính sách của mỗi quốc gia cũng như văn hóa của mỗi dân tộc.

Câu hỏi thứ tư là Covid-19 sẽ tác động thế nào tới quan hệ chính trị - chiến lược quốc tế?

Có lẽ những gì đã nảy sinh và diễn biến trước Covid-19 sẽ tiếp tục với nhiều nét mới. Bước vào thế kỷ 21 thế giới đã chứng kiến sự chuyển dịch sức mạnh mới giữa các quốc gia, trong đó nổi lên là sự kiện Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sau sự tàn phá của dịch Covid-19 kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế, sự chuyển dịch này sẽ tiếp diễn tùy theo mức độ nghiêm trọng, năng lực chống chọi, thời điểm hết dịch cũng như khả năng phục hồi của các nước. Cục diện "tranh hùng mang tính thế kỷ" giữa các nước lớn nảy sinh từ trước khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu sẽ tiếp diễn dài dài với độ thăng trầm khác nhau. Dưới tác động của những diễn biến nêu trên, một số cấu trúc chính trị - an ninh quốc tế sẽ thay đổi; tình hình một số khu vực, trong đó có Biển Ðông, càng thêm phức tạp; các đại chiến lược như "một vành đai, một con đường", "Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" sẽ ra sao còn là vấn đề bỏ ngỏ…

Câu hỏi cuối cùng và quan trọng nhất là cục diện thế giới thời "hậu Covid-19" sẽ ảnh hưởng thế nào tới nước ta và chúng ta nên hành động ra sao? Cá nhân tôi không có đủ thông tin và trí tuệ đề cập những vấn đề lớn lao và phức tạp như vậy. Với tâm thế "cóc ngồi đáy giếng" tôi chỉ xin chia sẻ đôi ba suy ngẫm riêng tư:

Một là, nhờ chống dịch thành công nước ta có không ít lợi thế trong việc phục hồi kinh tế. Chính phủ cũng vừa đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 với đôi ba kịch bản khác nhau. Tuy nhiên, thế giới còn tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường; chẳng thế mà lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc quyết định không nêu chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể trong năm nay mà tập trung vào việc ổn định sáu lĩnh vực: việc làm; dân sinh cơ bản; thị trường; lương thực - năng lượng; chuỗi công nghiệp - cung ứng và vận hành cơ sở.

Hai là, hiện nay nước ta đang xây dựng và chuẩn bị thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn: 5 năm (2021 - 2025), 10 năm (2021 - 2030) với tầm nhìn 25 năm (tới năm 2045) trong "trạng thái bình thường mới" với nét đặc trưng là "những điều bất thường trở thành bình thường" (!). Cục diện oái ăm này không phải là mới. Nhớ lại khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (1991 - 2000) đâu có ngờ năm 1997 nổ ra khủng hoảng khu vực? Khi soạn thảo Chiến lược 2001 - 2010 có ai nghĩ tới cuộc khủng hoảng trầm trọng bùng phát năm 2008? Khi làm kế hoạch 10 năm (2011- 2020) không ai hình dung nổi đại dịch toàn cầu sẽ bùng phát vào năm chót. Một phần quan trọng vì vậy cho nên chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của các Chiến lược 10 năm không đạt mức mong muốn. Ðiều gì sẽ đón đợi trong 5, 10 hay 25 năm tới là điều rất khó đoán định. Chỉ riêng dịch bệnh thôi thì trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 đã xảy ra tới năm trận nếu kể cả đại dịch toàn cầu lần này. Thực tế ấy đòi hỏi mọi quốc gia phải tính toán các phương án trung và dài hạn hết sức cơ động, linh hoạt.

Ba là, lâu nay nước ta luôn kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững. Nên chăng, trong thời kỳ "hậu Covid-19" bổ sung thêm nội hàm "phát triển an toàn" với hàm ý chú trọng hơn nữa tới cả các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người như công nghệ sinh học, dịch tễ, vi trùng/vi khuẩn học, y tế dự phòng, nghiên cứu, sản xuất và dự trữ vắc-xin cũng như các loại dược phẩm, dụng cụ y tế,… cần thiết. Nghe đâu hiện nay các cơ quan có trách nhiệm đang bắt tay vào việc soạn thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong quy hoạch ấy, có lẽ nên tránh phát triển và xây dựng những đại đô thị nhiều triệu cư dân, những khu công nghiệp quy mô quá lớn, mật độ quá cao mà nên chú trọng tới nguyên tắc "giãn cách" vì mục tiêu kép: vừa bảo vệ môi trường sống, vừa phòng, chống dịch bệnh. Khi quy hoạch Hà Nội mở rộng, đã có ý tưởng phát triển mấy đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên song tiếc rằng trên thực tế những rừng nhà chọc trời, những công trình hoành tráng vẫn chen chúc trong nội đô; còn những cái gọi là "đô thị vệ tinh" vẫn vẹn nguyên là các phố huyện!

Bốn là, một lần nữa thực tế cuộc sống càng tô đậm thêm những quan điểm chỉ đạo được nêu lên từ lâu về ý nghĩa quyết định của nội lực, yêu cầu chú trọng thị trường nội địa, phát triển công nghiệp phụ trợ, đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường và chuỗi cung ứng quốc tế,… Tiếc rằng, việc triển khai những chủ trương trên chưa như mong muốn. Ngày nay, những yêu cầu trên càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Một trong những cơ hội mới đối với nước ta là xu hướng chuyển dịch các cơ sở sản xuất sang Ðông - Nam Á, trong đó nước ta được coi là một trong những điểm đến ưu tiên. Ðáng mừng là từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về định hướng đầu tư nước ngoài. Ðây là kim chỉ nam cho việc tận dụng cơ hội mới này. Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết, trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ nhiệm vụ "Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng chuyển dịch vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến". Hy vọng rằng, những chủ trương đúng đắn trên sẽ được triển khai rốt ráo, bài bản để cơ hội mới không vuột đi mà biến thành lợi thế mới cho sự bứt phá của nước ta đi tới tương lai.