Thanh niên Việt Nam có thể mất 370 nghìn việc làm vì Covid-19

NDO -

Đại dịch Covid-19 đang thách thức nghiêm trọng triển vọng việc làm của 660 triệu thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Việt Nam năm nay có thể tăng gấp đôi so năm 2019.

Giới trẻ Việt Nam và khu vực đang phải đối mặt với thách thức lớn trên thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. (Ảnh minh họa: THANH SƠN)
Giới trẻ Việt Nam và khu vực đang phải đối mặt với thách thức lớn trên thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. (Ảnh minh họa: THANH SƠN)

Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo chung có tựa đề “Giải quyết khủng hoảng việc làm bởi Covid-19 của thanh niên tại châu Á - Thái Bình Dương”, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 18-8.

Theo báo cáo, trong năm 2020, thanh niên Việt Nam có thể sẽ mất khoảng 370 nghìn việc làm trong ngắn hạn nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát. Trong trường hợp xấu hơn, con số này có thể lên tới 548 nghìn việc làm, khi thị trường bị gián đoạn dài hạn.

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước ta được dự báo sẽ ở mức 10,8-13,2% trong năm nay, tùy theo tình hình dịch bệnh, tức là gần gấp đôi so mức 6,9% của năm 2019 trong điều kiện gián đoạn thị trường lao động dài hạn vì ảnh hưởng của Covid-19.

Trên bình diện khu vực, thanh niên (từ 15-24 tuổi) ở 13 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương được thu thập số liệu trong báo cáo có thể sẽ mất khoảng 10-15 triệu việc làm trong năm 2020.

Báo cáo nêu rõ, từ trước đại dịch, giới trẻ khu vực đã phải đối mặt với thách thức trên thị trường lao động, nhưng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng Covid-19. Tác động của nó có thể tạo ra một "thế hệ bị cách ly" - những người có thể sẽ gánh hậu quả của cuộc khủng hoảng này trong một thời gian dài.

Thanh niên Việt Nam có thể mất 370 nghìn việc làm vì Covid-19 -0
 Ước tính tỷ lệ mất việc làm và thất nghiệp trong thanh niên châu Á - Thái Bình Dương năm 2020.

Theo số liệu đưa ra trong báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực tăng mạnh trong quý I-2020 so cùng kỳ năm 2019, đặc biệt là tại Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hồng Công (Trung Quốc) và Việt Nam, với mức tăng lên tới 3 điểm phần trăm.

Báo cáo cũng chỉ ra, có gần một nửa số lao động trẻ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khoảng 100 triệu người) đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, bao gồm buôn bán và sửa chữa; chế tạo; dịch vụ cho thuê và kinh doanh; và dịch vụ lưu trú và ăn uống. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến người trẻ phải đối mặt với sự gián đoạn thị trường lao động và mất việc làm nhiều hơn người trên 25 tuổi.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm cho thanh niên, báo cáo khuyến nghị các chính phủ trong khu vực cần áp dụng các biện pháp ứng phó có mục tiêu và quy mô lớn, tập trung vào các chính sách toàn diện về thị trường lao động, bao gồm trợ cấp tiền lương và các chương trình việc làm khu vực công cho thanh niên, đồng thời giảm thiểu tác động đối với các sinh viên trẻ do gián đoạn quá trình học tập, đào tạo vì Covid-19.

Các biện pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch cũng cần bảo đảm tiếp cận được những thanh niên gặp khó khăn và dễ bị tổn thương nhất, đồng thời khuyến khích người trẻ tham gia vào quá trình đối thoại chính sách - xã hội.

Ưu tiên việc làm cho thanh niên và tối đa hóa năng suất lao động của thanh niên trong quá trình phục hồi hậu Covid-19 sẽ giúp cải thiện triển vọng tương lai của châu Á - Thái Bình Dương đối với tăng trưởng đồng đều và bền vững, chuyển đổi nhân khẩu học và ổn định xã hội, báo cáo nhấn mạnh.