Thái Nguyên đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên dành nhiều nguồn lực đầu tư, thúc đẩy lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du, miền núi phía bắc và đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) hướng dẫn người dân địa phương làm hồ sơ vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất. Ảnh: Trường Quân
Cán bộ Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) hướng dẫn người dân địa phương làm hồ sơ vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất. Ảnh: Trường Quân

Để đạt mục tiêu, ngày 31-12-2020, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời ngày 31-12 hằng năm đã được chọn là Ngày chuyển đổi số của tỉnh, để tổ chức đánh giá kết quả đạt được trong năm và là dịp để người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nêu các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa đã được Thái Nguyên triển khai đến tất cả các cơ quan nhà nước, từ cấp xã đến cấp tỉnh. Thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 80%; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 50%...
 
 Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích và chủ động, tích cực thực hiện. Đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông số, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch, các dịch vụ công. Trong năm 2021, Thái Nguyên sẽ thí điểm chuyển đổi số ở bốn xã miền núi đặc biệt khó khăn, gồm: xã Phúc Thuận (thị xã Phổ Yên), xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Bình Thành (huyện Định Hóa), xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai). Trong đó, tỉnh ưu tiên thực hiện ở lĩnh vực giáo dục trực tuyến để học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận được bài giảng chất lượng cao; ưu tiên hệ thống khám, chữa bệnh từ xa cho người dân vùng sâu, vùng xa; mở các sàn giao dịch thương mại điện tử để người dân bán được các sản phẩm nông nghiệp...
 
 ★ Tỉnh Bạc Liêu xác định thực hiện tốt công tác an sinh xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã huy động tốt các nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhóm đối tượng này. Năm 2020, Bạc Liêu giải quyết gần 1.500 hồ sơ các loại; chi trả đầy đủ chế độ trợ cấp ưu đãi hưởng thường xuyên cho gần 10.400 người có công với cách mạng và gần 1.300 người hưởng trợ cấp một lần. Hiện toàn tỉnh không còn hộ người có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 0,47%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,33%.
 
 Thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo, hướng mạnh vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh tích cực vận động các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn chung tay với “Quỹ Bảo trợ Trẻ em”, “Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội”, góp phần giải quyết chính sách về nhà ở, về giao thông, trường học, mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo... Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ vừa thoát nghèo; phân loại, chia nhỏ nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.