Vui đón Tết Trung thu

Tết Trung thu ấm áp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Tỉnh Tuyên Quang có 29% dân số là trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 5% là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Là tỉnh miền núi, sự chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị khiến cho trẻ em thiếu cơ hội tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người dân tộc thiểu số (DTTS).

Tặng quà Trung thu các bệnh nhi ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, tỉnh Tuyên Quang.
Tặng quà Trung thu các bệnh nhi ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, tỉnh Tuyên Quang.

“Những ngày đầu tháng tám âm lịch, ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, tỉnh Tuyên Quang, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các cơ quan đoàn thể của tỉnh đã đến trao quà Trung thu tặng các em nhỏ đang điều trị nơi đây. Những món quà là đồ chơi, đồ dùng sinh hoạt, bánh, kẹo hay tiền mặt đều có ý nghĩa, giúp các em có thêm động lực để chiến thắng bệnh tật”, bác sĩ Trần Thị Kim Thoa, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen mở đầu câu chuyện.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen là nơi điều trị cho các em mắc các bệnh về rối loạn hành vi, trí tuệ, tự kỷ và các dạng khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Hằng ngày, bệnh viện có khoảng 200 em đến khám và điều trị phục hồi chức năng (cả nội trú và ngoại trú). Nhiều em nhỏ bị bệnh bẩm sinh cho nên gần như toàn bộ tuổi thơ gắn liền với giường bệnh nơi đây. Theo lãnh đạo bệnh viện thì tất cả các em đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các em nhỏ điều trị nội trú được tỉnh hỗ trợ thêm 30 nghìn đồng tiền ăn/ngày, cho nên cũng giúp cho gia đình nhất là gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS vơi bớt khó khăn. 20 năm làm việc ở đây, chị Thoa dù không nhớ đã chăm sóc bao nhiêu em nhỏ, nhưng câu chuyện về cháu Phan Hoàng Anh, ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) khiến chị không thể nào quên. Sinh năm 2001, Phan Hoàng Anh bị bại não thể múa vờn, liệt tứ chi, nên với em bệnh viện như ngôi nhà thứ hai. Nhờ sự tận tâm của các y sĩ, bác sĩ và gia đình, khi đến tuổi đi học, Hoàng Anh đã được cắp sách tới trường, dù những bước đi không thẳng hàng ngay lối như bạn bè trong lớp. Năm 2020, Hoàng Anh đã tốt nghiệp kỳ thi THPT và được một trường đại học tuyển vào khoa tin học. Trước khi về trường nhập học, Hoàng Anh đã tới bệnh viện gửi lời chào tới các y, bác sĩ, những người dù không sinh ra em nhưng đã chăm lo và tạo động lực giúp Hoàng Anh có sự tự tin để bước vào đời. Buổi chia tay ngày hôm đó dù không có hoa nhưng đầy ắp những nụ cười rạng rỡ và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của mọi người.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Hùng cho biết, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện lồng ghép các mục tiêu vì trẻ em vào kế hoạch hành động của từng đơn vị, địa phương; vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Với mục tiêu chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em DTTS, không để trẻ em bị bỏ lại phía sau và lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, phổ biến rộng rãi đến toàn dân về pháp luật, chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ở các xã, phường đã tổ chức các kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em, trang bị kiến thức về quyền trẻ em, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Vận động kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ để xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi, cơ sở vật chất, khu vui chơi... Hằng năm, Sở đã phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường học tổ chức các hoạt động dịp hè, Tết Trung thu, Tháng hành động vì trẻ em, tạo môi trường cho trẻ em tham gia các Diễn đàn trẻ em, các sự kiện văn hóa, thể thao...

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho nên các hoạt động sẽ được hạn chế để bảo đảm giãn cách xã hội, tuy nhiên việc chăm sóc trẻ em vẫn được duy trì. Trong dịp Tết Nguyên đán, từ nguồn kinh phí vận động quỹ “Vì người nghèo” và quỹ Bảo trợ trẻ em, tỉnh Tuyên Quang đã trao quà tặng 700 trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; triển khai thực hiện chương trình “Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam” tài trợ cho hai đơn vị là nơi nuôi dưỡng và điều trị cho 212 trẻ em khuyết tật (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) và 860 học sinh đang học tại sáu trường bán trú vùng khó khăn thuộc huyện Yên Sơn và Hàm Yên, với tổng trị giá gần 700 triệu đồng; thực hiện Chương trình “Gói mì hạnh phúc”, hỗ trợ bổ sung thêm trong bữa ăn cho 316 học sinh đang học bán trú tại hai trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS thuộc huyện Lâm Bình. Đồng thời, phối hợp Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật tim cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật về mắt môi, hàm ếch, vận động, tim bẩm sinh và phục hồi chức năng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh, duy trì hoạt động 127 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.640 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố và 2.635 tổ, đội văn nghệ; 217 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ... tạo điều kiện để trẻ em được tham gia.

“Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương và sẽ là động lực để các em nỗ lực hơn trong học tập, vững vàng hơn trong cuộc sống”, ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định.