Tập trung chống hạn và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Nắng hạn kéo dài khiến gần 1.000 ha đất lúa của huyện Nghi Lộc (Nghệ An) không thể sản xuất, 2.600 ha lúa đã gieo trồng nhưng bị hạn, trong đó hạn nặng 700 ha.

Công trình cống Cái Sơn, xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre) vừa hoàn thành giúp ngăn mặn, trữ ngọt.
Công trình cống Cái Sơn, xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre) vừa hoàn thành giúp ngăn mặn, trữ ngọt.

Nắng nóng kéo dài cũng làm mực nước tại sông Cấm xuống thấp kỷ lục khiến nhiều loại thủy sản như cá, ốc, ngao... bị chết. Huyện đang lên kế hoạch đắp sông Cấm tại điểm cầu N5 (xã Nghi Thuận) để tăng mực nước sông và ngăn mặn xâm nhập.

★ Nắng nóng cũng đang làm cho hàng nghìn héc-ta lúa hè thu của các huyện: Nông Cống, Quảng Xương, Như Thanh (Thanh Hóa) hạn hán. Hiện tại toàn tỉnh có 214 hồ đập nhỏ xuống dưới mực nước chết. Tỉnh có kế hoạch cấy khoảng 116.000 ha lúa vụ mùa, nhưng đến thời điểm này mới chỉ cấy được hơn 9.000 ha, trong đó, nhiều diện tích bị chết khô. Hạn hán không chỉ làm thiếu nước sản xuất mà còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện nhiều giếng khoan trong tỉnh đã khô cạn.

★ Mực nước tại một số đầm nuôi tôm của tỉnh Ninh Bình xuống thấp, khiến nhiều diện tích tôm, nhất là trà tôm ở giai đoạn hơn 60 ngày tuổi giảm ăn, sức đề kháng kém, tăng trưởng chậm, phát sinh bệnh. Ðể đối phó với nắng nóng kéo dài, tỉnh chỉ đạo các địa phương và người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.

★ Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 148 cống có khẩu độ 2 m trở lên, 1.906 cống có khẩu độ dưới 1,5 m và đã xây dựng 650 km đê bao ven biển, ven sông phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy vậy, hệ thống thủy lợi trên địa bàn vẫn chưa khép kín cho nên nước mặn xâm nhập sâu nội đồng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương bố trí vốn khoảng 250 tỷ đồng để bổ sung đầu tư hồ chứa nước ngọt và triển khai tiếp các hạng mục còn lại của dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre và hệ thống cống với tổng vốn khoảng 3.500 tỷ đồng.

★ Vụ Thanh tra, Pháp chế (thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN và PTNT) phối hợp lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra một số cơ sở sản xuất tôm giống ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Ðông Hòa, phát hiện 1.700 tôm bố mẹ cùng 20 vạn con tôm post thẻ chân trắng không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; không ghi nhật ký sản xuất. Cùng với việc tiêu hủy tôm bố mẹ, tôm giống thẻ chân trắng, lực lượng chức năng đã tiến hành phạt vi phạm hành chính các cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm 154 triệu đồng.

★ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai ngày 14-7 cho biết, vừa phối hợp cứu hộ thành công chín thuyền viên tàu Phương Ðông 59 thuộc Công ty cổ phần xếp dỡ Ninh Bình gặp nạn trên biển.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hốt cho biết, ngày 11-7, tàu xuất phát từ cảng Cửa Lò vận chuyển 1.400 tấn cát vàng, hành trình ra cảng tàu khách TP Hạ Long trả hàng. Chiều muộn ngày 17-3, tàu đi đến vùng biển Long Châu (Hải Phòng) bất ngờ gặp sóng lừng và bị gãy làm đôi. Tàu cá QN 0555-TS đang đánh bắt hải sản tại khu vực nêu trên phát hiện và cứu hộ chín thuyền viên, đưa về cảng cá Hòn Gai và bàn giao cho Ðồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai.

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 14-7, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết  Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 987/QÐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai và năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ…