Tạo điều kiện phát triển nghề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu

Chưa có trường, lớp đào tạo chính quy, chưa có mã ngành, mã nghề và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng; tuy nhiên công việc phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) cho người điếc đang dần trở thành một nghề góp phần giúp cộng đồng người điếc ở Việt Nam hội nhập với một thế giới rộng lớn và hấp dẫn hơn.
 

Nguyễn Hà My phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc tại một hoạt động ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Nguyễn Hà My phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc tại một hoạt động ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Giúp người điếc hòa nhập cộng đồng
 
 Nguyễn Hà My, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người có tám năm kinh nghiệm làm phiên dịch NNKH chia sẻ với chúng tôi: NNKH không phải là ngôn ngữ cơ thể mà là một ngôn ngữ tự nhiên hoàn chỉnh với ngữ pháp và từ vựng riêng, được sử dụng như là công cụ giao tiếp của cộng đồng người khiếm thính/người điếc. NNKH bao gồm hệ thống ký hiệu, chữ cái ngón tay và biểu cảm khuôn mặt. Sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ này đã bác bỏ luận điểm trước đó cho rằng, người khiếm thính/người điếc không thể giáo dục được vì họ không giao tiếp với xã hội nên bị hiểu nhầm là không tư duy được như người bình thường, và nếu không nghe, con người không thể học được. 
 
 Hầu hết các phiên dịch NNKH hiện nay đều có người thân trong gia đình là người khiếm thính cho nên họ hiểu hơn ai hết tâm tư, tình cảm của những người này. Hà My đến với công việc này như một chữ duyên, bởi cô không giống với tất cả những phiên dịch khác. Trong khi tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp đại học, Hà My có tranh thủ thời gian rảnh tham gia học một số lớp để trau dồi kỹ năng cho bản thân và cô bén duyên với nghề phiên dịch NNKH từ đó. Cô cho rằng học NNKH cũng như học ngoại ngữ, cách học nhanh nhất chính là giao tiếp với chính những người khiếm thính/người điếc.
 
 Năm 2008, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật có hiệu lực và Việt Nam phê chuẩn công ước từ năm 2014. Đây là một công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền, giúp người khuyết tật trở thành những người có quyền, và được pháp luật bảo vệ, vai trò của phiên dịch NNKH lại càng được quan tâm hơn. Hiện không ít gia đình có người khiếm thính luôn có quan niệm không quan trọng việc học NNKH, hầu hết thành viên trong những gia đình này đều đánh giá thấp người khiếm thính, từ đó họ trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Họ có học NNKH cũng không giao tiếp được với bố mẹ vì bố mẹ cũng không biết NNKH, ra ngoài xã hội cũng có mấy ai biết NNKH. Đây là một quan điểm đã ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi gia đình Việt Nam và đến khi những phiên dịch NNKH có thể giao tiếp đồng đẳng với họ và không coi người khiếm thính/người điếc là những người khuyết tật, nói chuyện bình thường thì mới thấy cộng đồng này rất đa dạng, có người giỏi, người kém, người giàu, người nghèo.
 
 Thông qua phiên dịch NNKH của Hà My, anh Nguyễn Thái Thành, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn, một người điếc bẩm sinh cho rằng: “Xã hội Việt Nam còn chưa quen với việc giao tiếp thông qua phiên dịch viên. Các doanh nghiệp có người khuyết tật cho rằng, việc đó lỉnh kỉnh, tốn chi phí không cần thiết vì họ có thể cầm tay chỉ việc cho nhân viên, công nhân của họ. Gia đình thì cho rằng không ai có thể hiểu con cái mình hơn cha mẹ, nên việc mời một người ngoài tới, trả tiền cho họ để giao tiếp với con mình. Có nhiều người còn lạ lẫm và không hiểu phiên dịch NNKH là gì? Nhiều người còn nghĩ phiên dịch chỉ là tình nguyện giúp đỡ nên họ không nghĩ đấy là một nghề chuyên nghiệp”.
 
 Những năm gần đây cùng với sự phát triển của công nghệ số, trong khi Việt Nam có gần 1,5 triệu người khuyết tật về nghe, cho nên nhu cầu tiếp nhận thông tin của cộng đồng người khiếm thính/người điếc ngày càng cao. Việc tổ chức các hình thức truyền thông đặc thù là rất cần thiết để trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, không có ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu thông tin. Thời gian qua một số đài và kênh truyền hình quốc gia đã có các chương trình sử dụng phiên dịch NNKH để truyền tải thông tin đến với người điếc xem truyền hình. Điều này góp phần thay đổi nhận thức của xã hội với người khiếm thính. Trong cuộc sống hằng ngày, người điếc luôn cần hỗ trợ về giao tiếp nhưng họ không thể tìm được phiên dịch hoặc được cung cấp người phiên dịch không đủ khả năng dẫn đến sai lệch thông tin và thậm chí gây ra hiểu nhầm. Có thể nói vai trò của phiên dịch NNKH trong thời buổi hiện nay là rất quan trọng, giúp cộng đồng người khiếm thính/người điếc có thể thu ngắn khoảng cách và hòa nhập bình đẳng với mọi người trong cuộc sống hằng ngày.
 
 Cần sớm chuẩn hóa phiên dịch viên NNKH
 
 Luật Người khuyết tật được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-6-2010 trong đó nhấn mạnh đến hai quyền và nghĩa vụ rất quan trọng đối với người khuyết tật là: được chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, đây là hai quyền rất quan trọng với người khiếm thính và người điếc. Trong cuộc sống hằng ngày, hầu hết người điếc đều được gia đình hỗ trợ kể cả khi tham gia giao thông hay hỗ trợ tư pháp khi cần làm các giấy tờ liên quan bản thân. Tuy nhiên khi có những vấn đề về pháp lý liên quan tính mạng và bảo đảm công bằng của người điếc, chúng ta mới nhận ra sự quan trọng của phiên dịch NNKH trong việc hỗ trợ cơ quan chức năng cũng như bảo vệ quyền lợi cho người khiếm thính/người điếc. Đã có những vụ việc rất đau lòng mà nạn nhân là những người yếu thế hay người điếc bởi những hạn chế trong giao tiếp khiến họ bị xâm hại hoặc vu oan. Chính vì vậy khi được mời tham gia hỗ trợ cơ quan điều tra trong vụ án hình sự, Hà My và các đồng nghiệp rất vất vả. Có những vụ việc kéo dài hằng tháng trời và phải đi lại rất nhiều lần các tỉnh, thành phố mới hoàn thành được công việc của mình. Hà My chia sẻ: Tội phạm cũng có nhiều loại, người vô tình phạm tội vì thiếu hiểu biết cũng có nhưng tội phạm khôn ranh lợi dụng khuyết tật của mình để phạm tội nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng cũng không ít. Do nhận thức và trình độ của mỗi người khác nhau, cho nên trong từng trường hợp, chúng ta phải sử dụng phiên dịch cho phù hợp.
 
 Phiên dịch viên NNKH bao gồm phiên dịch người điếc và phiên dịch người nghe. Phiên dịch người điếc, bản thân họ là người điếc, họ đóng vai trò là cầu nối những người điếc chưa được đi học, không biết NNKH chính thống trong nhà trường, có khả năng nắm bắt tâm lý, đọc được điệu bộ tự nhiên, ngôn ngữ cơ thể của người đối diện khi cần truyền tải thông tin. Phiên dịch người nghe là người chuyển dịch thông tin của người điếc thông qua NNKH và dịch sang ngôn ngữ lời nói. “Có những tội phạm biết sử dụng NNKH nhưng rất tinh ranh, tỏ ra không biết gì để làm khó cơ quan chức năng. Những lúc như vậy, chúng tôi lại phải ngồi động viên chia sẻ và nói chuyện để họ hợp tác với mình”, Hà My chia sẻ thêm.
 
 Có thể nói phiên dịch NNKH là công việc rất vất vả, tốn nhiều thời gian, tuy nhiên vẫn chưa được xã hội thật sự công nhận là một nghề chính danh dù nó đã hình thành từ gần 10 năm nay. Hà My chia sẻ: “Khởi nghiệp với một nghề mới thường gặp rất nhiều sự cản trở, thí dụ gia đình không hiểu mình đang làm cái gì cả, trong khi có rất nhiều nghề như giáo viên, công an, bác sĩ khi nhắc đến chúng ta đều có thể hình dung ra họ làm công việc gì nhưng nói là một phiên dịch viên NNKH thì mọi người hầu hết đều không biết đấy là một nghề gì nữa. Có những người quen khi biết tôi làm nghề này, nghĩ tới cảnh tôi không nói gì mà chỉ đứng khoa chân múa tay, họ cười châm biếm và cho rằng nó không có tương lai. Tuy nhiên sau đó, khi hiểu rõ điểm tựa vững chắc nhất giúp tôi có thể tiếp tục theo đuổi công việc này chính là gia đình. Bố mẹ dù chưa bao giờ yên tâm nhưng cũng rất tự hào về nghề nghiệp của tôi và luôn nhiệt tình, hào hứng, chào đón những người bạn biết nói bằng tay và nghe bằng mắt mỗi khi họ tới thăm nhà”.
 
 Hiện nay, có rất nhiều dự án sử dụng lao động khuyết tật cho một mô hình kinh doanh phát đạt, phát triển bền vững. Có thể kể ra như: Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn, Công ty cổ phần Kym Việt... với hầu hết thành viên là các bạn câm, điếc bẩm sinh. Họ đã được mời tham gia rất nhiều các hội nghị, hội thảo dành cho người khuyết tật trong nước và quốc tế. Trong các buổi hội thảo này, họ đều yêu cầu ban tổ chức phải chuẩn bị phiên dịch NNKH cho họ. “Khi được mời tham dự sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tôi rất cần phiên dịch NNKH để giúp đỡ mình và các thành viên công ty có thể giao tiếp và hiểu nội dung mà sự kiện mình đang tham dự. Nếu ban tổ chức không đáp ứng yêu cầu có phiên dịch NNKH thì tôi sẽ không tham gia vì dù có đến tôi cũng không hiểu nội dung sự kiện là gì”, anh Thái Thành, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn chia sẻ.
 
 Anh Phạm Việt Hoài, Giám đốc Công ty cổ phần Kym Việt cho rằng: “Khi Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật thì công nhận phiên dịch NNKH trở thành một nghề là rất cần thiết, bởi khi người điếc giao tiếp với xã hội cần phải có phiên dịch NNKH để những người như chúng ta hiểu được người điếc muốn nói cái gì. Trong những buổi làm việc nhóm, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế nếu không có các phiên dịch NNKH thì thật khó cho những người tham gia có thể hiểu và làm việc được cùng nhau. Trong xã hội càng phát triển thì nhu cầu giao tiếp của người khiếm thính/người điếc ngày càng cao, chính vì vậy chúng ta cần phải tôn trọng và ghi nhận vai trò của phiên dịch NNKH, nhất là khi họ là những người hoàn toàn bình thường nhưng hằng ngày, hằng giờ quan tâm giúp đỡ người điếc thông qua công việc của mình”.
 
 Để góp phần giúp cộng đồng người khiếm thính/người điếc thật sự được hòa nhập cuộc sống, những người làm phiên dịch NNKH ở Việt Nam cần nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện phát triển từ các cấp, ban, ngành cũng như toàn cộng đồng để NNKH không chỉ đơn thuần là một loại hình ngôn ngữ mà thật sự là cầu nối đưa cộng đồng người khiếm thính/người điếc Việt Nam hòa nhập với xã hội thông qua những đôi bàn tay biết nói của các phiên dịch viên, cũng như trong tương lai không xa phiên dịch viên NNKH sẽ được nhìn nhận là một ngành nghề chính thức.