Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi

* Triển khai các giải pháp tái đàn lợn, bảo đảm nguồn cung

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có công điện gửi UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh có đập, hồ chứa thủy lợi về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi năm 2020. Theo đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố có đập, hồ chứa thủy lợi chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; trực ban tại công trình 24 giờ hằng ngày trong thời gian có mưa, lũ để phát hiện và kịp thời xử lý các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu... Bên cạnh đó, các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm a

Người dân xã Bắc Sơn, huyện An Dương (Hải Phòng) đầu tư, chăm sóc đàn lợn, nhằm thúc đẩy tái đàn trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Người dân xã Bắc Sơn, huyện An Dương (Hải Phòng) đầu tư, chăm sóc đàn lợn, nhằm thúc đẩy tái đàn trong thời gian tới. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

* Ngày 2-6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Bình Dương cho biết, cơn mưa lớn xảy ra trên diện rộng kèm dông lốc vào ngày 1-6 đã gây tốc mái 22 căn nhà, 10 phòng trọ, một nhà xưởng; hư hỏng một căn nhà; ngã đổ 10 ha cây ăn trái, 5 ha cây cao- su và một số cây xanh; sập khoảng 30 m tường rào và ngập cục bộ một số khu vực dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và một số địa phương. Hiện những nơi bị thiệt hại do mưa dông đang khẩn trương huy động lực lượng đẩy nhanh công tác khắc phục, tìm kiếm cứu nạn, giúp người dân ổn định cuộc sống.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thái Nguyên, trận mưa dông kèm gió giật mạnh xảy ra vào tối và đêm 1-6 trên địa bàn TP Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, làm thiệt hại sơ bộ về tài sản khoảng 850 triệu đồng.

Cụ thể, có 127 nhà dân và một nhà văn hóa bị tốc mái, hai điểm trường bị hư hỏng, 70 cây xanh đô thị bị gãy đổ. Gió giật mạnh đã khiến 10 cột điện gãy đổ, đứt hai pha đường dây 110 kW khu vực phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên gây ra sự cố nghiêm trọng khiến gần 70.000 khách hàng ở khu vực thành phố và các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Sông Công bị mất điện. Ngày 2-6, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở những địa bàn bị thiệt hại nặng.

* Ngày 2-6, Bộ NN và PTNT có công văn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai những giải pháp tối ưu để tái đàn và tăng đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Theo đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Đáng chú ý, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn. Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn sinh học; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua...

* Hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại ở hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Từ đầu tháng 4 đến nay, dịch đã xảy ra ở 147 hộ tại 55 thôn của 28 xã, số lợn mắc bệnh và buộc tiêu hủy là 483 con, tương đương khối lượng tiêu hủy là 20.749 kg.

* Theo Sở NN và PTNT Long An, vụ hè thu 2020, tỉnh có kế hoạch gieo sạ gần 218.000 ha lúa; được chia làm ba đợt vào các tháng 4, 5, 6. Mặc dù đã qua thời gian đợt 1 và đợt 2 nhưng nhiều nơi vẫn chưa thể gieo sạ do độ mặn trên các sông còn cao, nhất là các huyện phía nam của tỉnh như: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ… Đến nay, độ mặn trên các sông bắt đầu giảm và mưa đầu mùa xuất hiện nhiều nơi, do vậy Sở NN và PTNT đã đề nghị các địa phương tập trung gieo sạ hoàn thành vụ hè thu năm nay.

* Do ảnh hưởng của hạn hán, vụ hè thu năm 2020, tỉnh Khánh Hòa chỉ sản xuất được 4.460 ha lúa tại các khu vực chủ động được nguồn nước tưới, gần hồ thủy lợi, đập dâng ven sông; diện tích không sản xuất lúa do thiếu nước tưới là 14.480 ha.

* Trong 10 ngày qua, ở tỉnh Quảng Ngãi có nắng nóng gay gắt khiến mực nước các hồ chứa và các con sông lớn trên địa bàn ở mức thấp. Do vậy, mức độ, phạm vi khô hạn, xâm nhập mặn vào hạ lưu các sông tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và sinh hoạt. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương và nông dân, những vùng không có nước tưới tuyệt đối không sản xuất, nhằm tránh thiệt hại. Theo báo cáo của các địa phương, Quảng ngãi hiện có hơn 1.100 ha đất sản xuất nông nghiệp phải bỏ hoang do thiếu nước tưới.

* Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) cho biết, hiện nay nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm sản xuất vụ lúa hè thu năm 2020, với tổng diện tích hơn 1,5 triệu ha. Tính đến thời điểm này, ở các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang…, đã có hơn 1.199 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; khoảng 9.422 ha lúa bị rầy nâu; 6.967 ha bị bệnh đạo ôn; 7.143 ha bị bệnh lem lép hạt; 5.130 ha lúa trong giai đoạn đẻ nhánh và trổ bị sâu cuốn lá nhỏ; khoảng 3.066 ha bị ốc bươu vàng tiến công; hơn 5.889 ha lúa hè thu bị chuột cắn phá... Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, việc lúa hè thu bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tăng cao sẽ là nguy cơ lớn cho vụ lúa thu đông và vụ mùa sắp tới; đồng thời còn có nguy cơ là cầu nối của dịch bệnh sang cả vụ đông xuân 2020 - 2021. Do đó, nông dân các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, sẵn sàng phương án phòng trị sâu bệnh hiệu quả…

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên, đã xuất hiện tình trạng rầy nâu - rầy lưng gây hại cục bộ trên diện tích lúa tại một số nơi với mật độ từ 500 đến 700 con/m2. Diện tích lúa nhiễm rầy là 608 ha, nông dân đã phòng trừ được 558 ha...

* UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định cấp 1.327 tấn gạo hỗ trợ 85.652 người do ảnh hưởng của hạn hán trong mùa khô năm 2020. Số gạo được phân bổ đến các địa phương như sau: Thị xã Ninh Hòa 301 tấn gạo, huyện Khánh Sơn 266 tấn, TP Nha Trang 237 tấn, huyện Khánh Vĩnh 224 tấn. Các huyện: Cam Lâm, Vạn Ninh, Diên Khánh và TP Cam Ranh được cấp tổng cộng gần 299 tấn gạo...

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp với hiệu ứng phơn, cho nên ngày 3-6, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 380C, có nơi hơn 380C. Do ảnh hưởng của nắng nóng, có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

* Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn xác định nhiều vùng trọng điểm cháy rừng tại 21 xã thuộc các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô và TP Tam Điệp. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa cao điểm nắng nóng, nguy cơ báo động cháy rừng luôn ở cấp III, IV, có lúc lên đến cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, ngành kiểm lâm tỉnh đã tích cực phối hợp lực lượng hữu quan và các địa phương triển khai nhiều phương án phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra.