Tăng cường hiệu quả cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Tại hội nghị tổng kết công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2019; triển khai kế hoạch năm 2020, diễn ra ngày 29-5, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, năm 2020, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần cảnh báo lũ quét, sạt lở đất một cách chính xác, hiệu quả hơn.

Các hệ thống ra-đa đã được đầu tư, các trạm đo mưa tự động đã lắp đặt với mật độ dày hơn, do đó phải xây dựng các mô hình dự báo để sử dụng hiệu quả thông tin. Ðặc biệt chú ý đến công tác dự báo biển. Mặt khác, các cơ quan trong hệ thống phòng, chống thiên tai tuyên truyền về ngành khí tượng - thủy văn đến người dân để hiểu, sử dụng hiệu quả bản tin dự báo khí tượng - thủy văn; đồng thời cần đưa ra cơ chế, chính sách để công tác xã hội hóa lĩnh vực khí tượng - thủy văn và phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả cao.

* Ngày 30-5, Ðoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về tình hình phát triển chăn nuôi lợn; công tác tái đàn, khôi phục sản xuất và triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Tại Quảng Nam, từ tháng 5-2019 đến nay, có 206 xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, trong đó, có 135 xã đã qua 30 ngày không tái phát dịch. Hiện toàn tỉnh còn sáu xã (thuộc bốn huyện, thành phố) có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Tính đến cuối tháng 5, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh khoảng 250 nghìn con (bằng 51,8% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch).

* Ngày 30-5, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, 309 thương nhân Trung Quốc đã được Bộ Công an chấp thuận cho phép nhập cảnh vào Bắc Giang để thu mua vải thiều. Năm nay, sản lượng vải thiều tại huyện Lục Ngạn đạt hơn 85 nghìn tấn, thu hoạch chính vụ diễn ra từ ngày 10-6 đến 30-7. Trên địa bàn huyện có khoảng 500 điểm cân thu mua vải thiều, khoảng 400 lò sấy, có thể sấy khô 13 đến 15 nghìn tấn quả. Các mặt hàng như thùng xốp, nước đá công nghiệp bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ vải thiều với khoảng 3,7 triệu chiếc thùng xốp và 885 nghìn cây đá.

* Chiều 30-5, một cơn mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra trong khoảng một giờ đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị ngập, việc lưu thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ghi nhận khu vực bị ngập nặng do nước rút chậm là tuyến đường Trần Xuân Soạn (quận 7), Võ Văn Ngân (quận 9), Nguyễn Văn Quá (quận 12). Cơn mưa lớn cũng khiến cây xanh bị gãy nhánh, bật gốc ở một số tuyến đường thuộc khu vực quận 8 và Bình Thạnh. Một cây xanh trên đường Ðiện Biên Phủ, quận Bình Thạnh bị đổ, đè trúng người đi đường nhưng may mắn người này chỉ bị xây xát nhẹ.

* Ngày 30-5, UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết: Tại xã Mường Chanh, xuất hiện châu chấu gây hại trên lúa, hoa màu, rừng luồng, nứa, vầu, le… mật độ phổ biến 10 con/m2, cao 30 con/m2 và cục bộ lên tới 120 con/m2. Tại xã Mường Lý cũng xuất hiện châu chấu gây hại lên hơn 20 ha. Lực lượng bảo vệ thực vật ở huyện Mường Lát hướng dẫn nhân dân, cán bộ các tổ chức đoàn thể cùng lực lượng vũ trang dùng các dụng cụ như lưới, vợt, thắp đèn đánh bẫy, bắt, thu gom, xử lý khu vực châu chấu khu trú; đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

* Trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn 16 điểm ngập chưa thể khắc phục trong năm nay, khi có những trận mưa với cường độ 50 đến 100 mm/hai giờ. Cụ thể, các điểm ngập như: đường Giải Phóng (đoạn trước cửa Bến xe phía Nam); phố Ðội Cấn; phố Thanh Ðàm, phố Trường Chinh; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng, phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); phố Vũ Trọng Phụng (đoạn ngã 3 Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng)... Ðối với các trận mưa nhỏ dưới 50 mm/hai giờ, trên địa bàn thành phố sẽ không xảy ra úng ngập, chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước.

* Huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), có khoảng 13.000 ha đất trồng mía đang bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn hán. Những năm trước, vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 mía đã thu hoạch xong, bán cho các nhà máy, nông dân tiến hành làm đất để trồng vụ mới, thế nhưng vụ này hàng nghìn héc-ta đất trồng mía tại các xã trong huyện vẫn chưa được xuống giống và bỏ hoang. Ðể hỗ trợ nông dân, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã có nhiều biện pháp đồng hành hỗ trợ cho người nông dân. Vụ mía năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ về phân bón, KCP còn đầu tư vốn để người dân chủ động nguồn nước tưới cứu mía.

* UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn về tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó mưa dông, lốc xoáy, gió giật và cây xanh ngã đổ trên địa bàn. Theo đó, tuyên truyền cộng đồng thường xuyên kiểm tra, gia cố, tu sửa nhà ở nhằm đề phòng mưa dông, lốc xoáy, cây xanh bị ngã đổ; rà soát chặt tỉa cành, các cây cao dễ ngã đổ, nhất là cây xanh ở khu vực trường học, bệnh viện, khu dân cư... Mặt khác, ngành giáo dục tổ chức kiểm tra các trường học; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cây xanh trong khuôn viên trường để đốn hạ hoặc chặt tỉa cành, nhằm bảo đảm an toàn, không để cây xanh đổ, gãy gây thiệt hại, nhất là tính mạng của học sinh, giáo viên, nhân viên.

* Tại tỉnh Bình Dương, mưa lớn kéo dài đã làm vỡ 18 m bờ Suối Giữa, phường Chánh Mỹ (TP Thủ Dầu Một), khiến 4 ha đất sản xuất nông nghiệp, hai nhà bị ngập. Tại thị xã Bến Cát, mưa làm sập 30 m tường rào. Tại phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, mưa lớn đã cuốn trôi một bé trai, đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Các lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tích cực tìm kiếm.

* Tại tỉnh Long An, thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch vẫn tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Riêng mùa khô 2019 - 2020, toàn tỉnh xảy ra năm vụ sạt lở lớn và nhiều điểm sạt lở nhỏ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tinh thần và sự an toàn của người dân. Tỉnh đang kiến nghị T.Ư tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư các dự án sạt lở ven sông, kênh, rạch, bảo đảm ổn định đời sống người dân.

* Tối 29-5, tàu SAR 412 thuộc Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đưa một thuyền viên bị tai nạn trên biển về Ðà Nẵng an toàn. Trước đó vào hồi 10 giờ 4 phút ngày 28-5, tàu QNa 90478 TS khi đang hành nghề trên vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa thì xảy ra tai nạn lao động khiến một thuyền viên bị ngã chấn thương vùng lưng. Trung tâm đã hướng dẫn hải trình nhanh nhất để tàu chạy về đất liền, đồng thời phối hợp cùng Trung tâm cấp cứu TP Ðà Nẵng tư vấn y tế từ xa cho tàu.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng rìa đông nam vùng áp thấp phía tây, ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 đến 37oC, có nơi hơn 38oC. Từ ngày 1-6, toàn Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 38oC, riêng vùng núi các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến 37 đến 39oC, có nơi hơn 40oC.

Hiện nay, hội tụ gió trên mực 5.000 m tại khu vực vùng núi Bắc Bộ hoạt động mạnh. Dự báo, đến ngày 1-6, phía tây Bắc Bộ và vùng núi phía bắc có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 15 đến 30 mm/24 giờ, có nơi hơn 50 mm/24 giờ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.