Sức sống mới nơi cửa biển Trần Đề

Trước đây, vốn chỉ là cửa biển tiêu điều, với mấy chục hộ dân khai thác hải sản nhỏ lẻ, manh mún, đến nay nhờ sự quan tâm của Nhà nước, cửa biển Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đã khoác lên mình một diện mạo mới. Khu phố thị sầm uất dần lên, những đoàn tàu công suất lớn neo đậu san sát, cuộc sống người dân khấm khá, hứa hẹn một tương lai tươi sáng nơi cửa sông Hậu.

Ngư dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Văn Khê
Ngư dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Văn Khê

Niềm vui được lộc biển

Trời vừa tỏ mặt người, men theo dòng sông nhỏ, nơi những chiếc thuyền nặng trĩu chầm chậm trờ vào bờ, chúng tôi đến cửa biển Trần Đề. Không gian mở ra, trước mặt là biển cả bao la cùng vô số thuyền bè neo đậu nơi bến cảng. Trên thuyền, từng gánh, từng gánh hải sản được đưa vào. Dường như chuyến đi này được lộc biển. Trên những gương mặt không giấu nổi sự mỏi mệt sau chuyến đi biển dài ngày của cánh ngư dân là những ánh mắt rạng rỡ. Tôm cá được đưa lên cảng, những người thu mua hải sản túa đến, nhanh chóng ngã giá rồi đưa hàng hóa lên những chuyến xe ngược xuôi đi khắp nơi. Không khí lao động khẩn trương, niềm vui được thắp lên bởi những gánh hải sản tươi rói. Trên sân cảng, hàng chục phụ nữ ngồi xếp lại từng khay hải sản. Họ làm việc luôn chân, luôn tay, ý ới gọi nhau. Chị Thủy, một phụ nữ trung niên tay thoăn thoắt xếp những con cá cơm to bằng ngón chân cái vào khay, vui vẻ cho biết: “Nhà tui cách cảng cá có mấy bước chân thôi. Hôm nào cũng vậy, cứ sáng sớm là ra đây đợi thuyền về rồi lấy hải sản mang ra chợ bán. Nhờ trời, mấy năm nay hải sản nhiều. Chủ tàu đóng thêm tàu lớn, đi ra ngoài khơi xa đánh bắt cho nên sản phẩm lúc nào cũng dồi dào. Vì thế, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá”.

Cảnh lao động tấp nập, dồn dập như thế kéo dài cho đến tận chiều, như một vòng quay nên chẳng bao giờ cảng Trần Đề vắng bóng người. Vừa mới đi biển về buổi sáng, vào khoang thuyền ngủ một giấc cho lại sức, đám thợ thuyền lại bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo. Mỗi người một công việc, phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng. Chỗ này, mấy chục tráng niên hò hét kéo lưới, xếp lưới. Chỗ kia, đám thanh niên quây tụm lại xay đá, cho vào khoang thuyền để bảo quản hải sản. Trần Thâm, ngư dân 31 tuổi thoăn thoắt đẩy từng tảng đá lạnh vào máy xay. Tiếng máy xay chạy ầm ầm, rền vang. Đá được xay nhỏ, chảy vào khay chuyền để đưa xuống sàn thuyền. Trên thuyền, mấy thanh niên tay cầm khay, xúc đá đưa vào hầm thuyền. Dù trời nóng nực, nhưng không khí chung quanh lạnh buốt, thế nhưng, những ngư dân trẻ vẫn cần mẫn làm việc hằng giờ. Trần Thâm kể, anh quê Tiền Giang, trước làm nhiều nghề nhưng vẫn không đủ sống. Sau này, có người bạn đồng hương rủ đi theo thuyền kiếm ăn. Công việc ở đây vốn không dễ mà quen được. Mới đầu đi làm, không quen lạnh, ốm lên ốm xuống mấy đợt. Sau rồi thạo dần, công việc lại luyện cho anh sức khỏe tốt, đi làm liên tục cả tháng cũng chẳng thấy mệt mỏi, đau ốm.

Những thợ thuyền cho biết, ngày trước, hải sản gần bờ rất nhiều, nhưng người dân chủ yếu làm nhỏ lẻ. Nhà nào khá thì làm mấy thuyền nhỏ đánh bắt loanh quanh bờ. Phần lớn, vẫn làm nghề đóng đáy và nghề lưới, cuộc sống khó khăn cứ bủa vây. Thế rồi có cảng cá và được sự hỗ trợ của Nhà nước, từng con tàu công suất lớn dần xuất hiện. Nhiều gia đình đã đầu tư đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Rồi Nhà nước lại cấp đất cho ngư dân để xây dựng thị tứ. Đời sống khấm khá dần, từ chỗ chỉ là những xóm nghèo với những nóc nhà lưa thưa, lao động manh mún, nhỏ lẻ, cuộc sống dần đổi thay với những nóc nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều trên nền đất cũ. Người dân khắp nơi cũng đổ về cùng bám biển. Dịch vụ hậu cần như cung ứng nhiên liệu, thu mua sản phẩm… dần xuất hiện. Nguyễn Văn Tiến, một ngư dân có 5 năm bám biển chia sẻ: “Em vốn quê Đồng Tháp, trước cũng làm nghề cá nhưng chẳng kiếm được là bao. Từ khi vào đây làm mới bắt đầu có thu nhập, có tích lũy. Tụi em chỉ biết miệt mài lao động. Cuối năm, được bao nhiêu, sau khi trừ chi phí, chủ thuyền chia đều cho anh em, làm nhiều ăn nhiều. Năm vừa rồi, trừ ăn ở, chi phí sinh hoạt, em tích góp được hơn 60 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với công nhân lao động như tụi em”.

Sức sống mới nơi cửa biển

Những ngày này, người dân tại Trần Đề không còn lạ trước hình ảnh một ông lão khoảng 70 tuổi thong thả đi dạo chợ cá, cửa biển. Đó là ông Đặng Văn Muôn. Người dân thường gọi ông Hai Muôn là “chuyên gia thẩm định cá”. Hàng chục năm bám biển, ông là người dày dặn kinh nghiệm, đến độ chỉ cần liếc mắt, ông đã biết con cá nào ngon, con nào không cho nên cánh thương lái hoặc người dân vẫn thường nhờ ông xem hàng giúp khi mua.

Ông tâm sự, trước đây, từ một thủy thủ, dần dà tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, ông trở thành chủ nhiều tàu đánh cá ở Trần Đề. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, ông từ giã nghề biển rồi vào thành phố

Sóc Trăng sinh sống. Thi thoảng, ông lại ra cảng dạo, ngửi mùi tanh nồng và chọn mua vài con cá về làm cơm cho khuây nỗi nhớ biển da diết. Thời gian vừa qua, ông xem báo, lướt web và biết được chủ trương Nhà nước cho vay tiền ưu đãi đóng tàu đánh bắt xa bờ, “giấc mơ biển” trong ông sống lại. Nhưng với tính cách thận trọng, ông Hai Muôn nghiên cứu thật kỹ chủ trương, chính sách và tham khảo ý kiến của cán bộ ngành thủy sản địa phương rồi quyết định xây dựng đề án đóng mới tàu bằng vật liệu mới, hiện đại. Để đề án khả thi, ông khăn gói ra các tỉnh miền trung nhiều tháng trời để tham khảo mô hình các tàu đánh cá xa bờ trang bị thiết bị hiện đại. Ông Hai Muôn phấn khởi cho biết, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định phê duyệt danh sách ngư dân được hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP, ngày 2-2-2018 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và ông nằm vào danh sách đó.

“Chỉ có con đường đánh bắt xa bờ bằng phương tiện hiện đại là cách để ngư dân Sóc Trăng tồn tại và phát triển trong thời kỳ hiện nay. Vì như thế không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn giúp ngư dân tiếp cận cách đánh bắt hiện đại, giảm chi phí, thời gian và công sức”, ông Hai Muôn hồ hởi chia sẻ. Không chỉ ông Hai Muôn, cũng nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của bản thân, nhiều ngư dân tại cửa biển Trần Đề từ bàn tay trắng đã tạo lập nên đoàn tàu cho riêng mình. Điển hình như các ông Trần Văn Khởi, Tô Văn Long, Trần Văn Xếp, Tô Văn Trọng… mỗi người sở hữu đoàn tàu đánh cá hơn mười chiếc. Hơn nữa, còn có các ông Năm Việt, Sáu Mang, Năm Mẫn, Út Tròn, Út Hoàng có đội tàu lưới vây, mỗi con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng.

Nói về vị thế và giá trị của các cảng cá, ông Hai Muôn bảo rằng, cảng Trần Đề có vị trí thuận lợi nhất tính từ miền trung trở vào. Bởi từ Biển Đông, từ quần đảo Trường Sa vào đất liền chỉ có Trần Đề là gần nhất, tàu đỡ hao dầu và mất thời gian. Nằm ngay cửa sông Hậu, tàu có thể chạy sâu vào trú bão và lòng sông bãi bùn cho nên không sợ đá va đập.

Với điều kiện thuận lợi phát triển tiềm năng về kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cảng cá Trần Đề là nơi gần nhất của ngư trường Biển Đông, Biển Tây và là một trong mười cảng cá lớn nhất của cả nước.

Giám đốc Ban quản lý cảng cá Trần Đề Phạm Văn Hứa cho biết, từ 1.000 lượt tàu cập cảng năm 2005, đến năm 2018, cảng đã tiếp nhận hơn 17.000 lượt tàu và số phương tiện vận tải qua cảng là 30.650 lượt. Trong đó, số lượt tàu tỉnh khác vào cảng cá như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre chiếm gần 40%. Năm 2018, lượng hàng hóa qua cảng đạt hơn 170 nghìn tấn, trong đó hàng thủy sản chiếm khoảng 80.000 tấn. Hiện, tổng số tàu thuyền trong tỉnh Sóc Trăng là hơn 1.200 tàu với tổng công suất 187.738 CV, tàu có chiều dài lớn nhất hơn 15 m là 358 tàu hoạt động vùng khơi theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đến nay, cảng cá Trần Đề đã kêu gọi được 74 doanh nghiệp và cá nhân thuê mặt bằng đất trong khu vực với tổng diện tích hơn 12 ha. Trong đó, có 25 doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản, bốn nhà máy sản xuất nước đá, một khu cơ khí đóng sửa chữa tàu thuyền. Số còn lại là các cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá mua bán ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm... Các tổ chức và cá nhân trong khu vực cảng cá hoạt động đã giải quyết kịp thời nhu cầu đánh bắt cho tàu thuyền của ngư dân địa phương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Giám đốc Ban quản lý cảng cá Trần Đề Phạm Văn Hứa cho biết thêm, thời gian gần đây, Ban quản lý nỗ lực triển khai Luật Thủy sản năm 2017 nhằm luật hóa các nội dung liên quan đến vấn đề khai thác IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định), trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam. Qua đó giúp ngư dân nâng cao nhận thức; đồng thời thực hiện kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm IUU. Công tác này đã tác động lớn đến ý thức của ngư dân trong khai thác hải sản bất hợp pháp, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản Việt Nam. Hiện nay do lượng tàu về cảng đều tăng, cho nên cảng cá Trần Đề đang quá tải. Tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện dự án đầu tư mở rộng cảng cá giai đoạn 2 với diện tích hơn 18 ha nhằm đáp ứng các điều kiện mới của cảng cá phục vụ ngư dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Với những thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền, cảng cá Trần Đề ngày càng phát triển, đã và đang đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Sóc Trăng; góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và một số tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.