Sửa chữa các tuyến giao thông miền núi Quảng Ngãi mùa mưa lũ

NDO -

Ở các huyện miền núi Quảng Ngãi thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở núi gây chia cắt tuyến giao thông trọng yếu. Tỉnh Quảng Ngãi triển khai các biện pháp sửa chữa, kiên cố hoá các tuyến giao thông, nhất là vùng nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn, thông tuyến trong mùa mưa lũ.

Sạt lở núi nghiêm trọng, chia cắt giao thông đoạn qua xã Thanh An (huyện Minh Long) năm gây chia cắt các xã, nguy hiểm cho người dân. Kiên cố hoá, sửa chữa tuyến đường vùng xung yếu là cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại khi mưa lũ về.
Sạt lở núi nghiêm trọng, chia cắt giao thông đoạn qua xã Thanh An (huyện Minh Long) năm gây chia cắt các xã, nguy hiểm cho người dân. Kiên cố hoá, sửa chữa tuyến đường vùng xung yếu là cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại khi mưa lũ về.

Sửaa chữa, khắc phục các tuyến đường sạt lở

Những ngày cuối tháng 9, các đơn vị thi công đã hoàn thành các hạng mục cuối sửa chữa tuyến đường ĐT.626 Di Lăng-Trà Lãnh. Đây là tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) đi các xã phía Tây huyện Trà Bồng. Toàn tuyến dài 31,7km có bốn vị trí mới bị xói lở nền đường, mặt đường, rãnh thoát nước hư hỏng.

Để bảo đảm an toàn cho các khu dân cư vùng ven và phương tiện giao thông qua lại, đơn vị thi công gia cố rọ đá taluy âm đoạn tại Km21+874, chống xói lở nền đường. Đồng thời, sửa chữa lề đường, hệ thống rãnh thoát nước bị hư hỏng do các đợt mưa lớn và bổ sung hệ thống an toàn giao thông tại nhiều vị trí trên tuyến.  

Kỹ sư Bùi Đức Nhất, đại diện đơn vị thi công cho biết, khu vực nền đất yếu nguy cơ sạt lở sau mỗi đợt mưa lớn nên phải gia cố bằng biện pháp phù hợp địa hình địa chất vùng núi. “Khăn nhất là mùa mưa giông xảy sớm nên chúng tôi triển khai kiên cố hoá, bảo dưỡng 11 tuyến trọng yếu trên năm huyện miền núi Quảng Ngãi. Các biện pháp thi công đều ưu tiên làm nhanh, hoàn thành sớm. Hiện cơ bản đã xong”.

Tuyến đường ĐT.622B Quốc lộ 1A đi huyện Trà Bồng dài 73km cũng đươc sửa chữa khẩn trương hoàn thiện. Tại Km59+299,5 vùng núi cao, xói lở từ các đợt mưa khiến một số vị trí mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, gây mất an toàn cho phương tiện giao thông. Vì vậy, cơ quan quản lý tiến hành sửa chữa, mở rộng những đoạn mặt đường hư hỏng nặng trên tuyến bằng bê tông nhựa; rọ đá taluy âm gia cố bên trái tuyến chống xói lở nền đường; bổ sung hệ thống an toàn giao thông nhiều vị trí trên tuyến.

Chị Hồ Thị Nguyệt ở xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng cho biết mùa mưa năm nào cũng xảy ra sạt lở núi, đường giao thông. Vì vậy người dân qua lại luôn lo lắng khi có mưa lũ. “Sửa chữa đường như vậy mình mừng chứ. Bà con ở đây ai cũng sợ khi mưa về hư hỏng đường là không xuống huyện được. Sửa chữa bảo đảm an toàn hơn thì mình mừng”.

Nỗ lực bảo đảm an toàn thông tuyến miền núi mùa lũ
Mùa mưa hàng năm tỉnh Quảng Ngãi chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lốc và mưa lũ. Năm 2019, các tuyến quốc lộ 24, 24B, tuyến giao thông huyết mạch các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Hà… bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng; chia cắt, cô lập các xã, làng bản dân cư vùng cao. 

Hằng năm, nhiều điểm sạt lở mới xuất hiện, nguy hiểm cho người dân. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi triển khai các biện pháp khắc phục, sửa chữa bảo đảm an toàn các tuyến giao thông vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận khi mưa lũ về. Đến nay, Quảng Ngãi cơ bản hoàn thiện sửa chữa hư hỏng mặt đường, hệ thống thoát nước, bổ sung hệ thống cảnh báo, an toàn giao thông, khắc phục các vị trí có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ trên 11 tuyến đường tỉnh các huyện Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ…Qua đó, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm 2020. “Huyện miền núi như Minh Long thường bị chia cắt, cô lập khi bị lở núi. Lo lắng nhất là mưa lớn kéo dài nguy hiểm vùng có nền đất yếu. Do vậy, khắc phục, kiên cố hoá hàng năm đỡ nguy hiểm hơn nhiều, hạn chế sạt lở nặng bất ngờ” Ông Đinh Văn Điết, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết.

“Ngoài công tác sửa chữa, chúng tôi cũng khảo sát các vị trí nguy cơ và đưa ra các phương án khi có sự có lở núi hay lũ cuốn. Thiết bị máy móc, vật liệu được tập kết ở các Hạt quản lý đường bộ ở các huyện miền núi hoặc tập kết ở các khu vực trọng yếu để khi có lở núi hay hư hỏng đường thì chúng tôi xử lý ngay. Triển khai giải phóng đất đá, sửa chữa để thông tuyến ngay” – Ông Mai Văn Hà, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.