Sớm xây mới cầu Xốp Nhị

NDO -

Sau 36 năm hoạt động, cầu treo Xốp Nhị tại xã Hữu Lập, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Người dân cũng như chính quyền các cấp mong mỏi, sớm xây mới cầu bê-tông thay thế cầu treo này nhằm tạo điều kiện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng ở các địa phương phía bắc Kỳ Sơn.

Mố cầu Xốp Nhị bị sạt lở nghiêm trọng bởi mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4, năm 2018.
Mố cầu Xốp Nhị bị sạt lở nghiêm trọng bởi mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4, năm 2018.

Cùng với cầu treo tại thị trấn Mường Xén, cầu treo Xốp Nhị bắc qua sông Nậm Mộ là điểm nút giao thông quan trọng của huyện miền núi 30a Kỳ Sơn trong việc kết nối từ Quốc lộ 7 đi các xã phía bắc của huyện như Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng và một số bản của xã Mường Lống.

Cầu Xốp Nhị được đưa vào sử dụng năm 1984, phục vụ việc đi lại, thông thương hàng hóa cho khoảng 10 nghìn người dân của các xã nói trên; là một trong số 36 cầu treo đang được khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Xác định đây là nút giao thông quan trọng của trong việc phát triển kinh tế xã hội cho các xã phía bắc huyện miền núi Kỳ Sơn, cuối năm 2013, Sở GTVT Nghệ An đã kiểm tra đánh giá hiện trạng toàn bộ cầu treo đang trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra, cầu treo Xốp Nhị là một trong 30 cầu đang bị hư hỏng, và cần phải được sửa chữa, nâng cấp; mặt khác, bề rộng mặt cầu nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng lớn của người dân trong vùng.

Bí thư Đảng ủy xã Bảo Nam Cụt Thanh Hoài cho biết, là xã nghèo 135, có khoảng 63% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Thời gian gần đây, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế của địa phương hằng năm ngày một tăng, nhưng việc vận chuyển, thông thương  nông sản, trâu bò, hàng hóa thiết yếu, vật liệu xây dựng… ra vào địa bàn gặp khó, do điểm nghẽn giao thông, tại cầu treo Xốp Nhị xe vận tải có tải trọng lớn không đi qua được. Giá cước vận chuyển ra vào Bảo Thắng khá cao so các địa phương khác nằm dọc Quốc lộ 7. Đây cũng là tình trạng chung của các xã phía bắc Kỳ Sơn, nằm ở tả ngạn sông Nậm Mộ, nơi có phần nhiều bà con các dân tốc thiểu số sinh sống.

Ông Trần Đức Chiến, cán bộ kỹ thuật ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn cho biết, gần đây, cây cầu “già” này bị tác động khủng khiếp của mưa lũ, nhất là trận mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4 năm 2018, đã khiến tứ nón cầu bị nứt, cuốn trôi, mố cầu phía bắc  bị xói lở nghiêm trọng (nay đã tạm khắc phục)…

Hiện, hệ thống dây cáp bị nghiêng lệch, cứa cả vào thành cầu; trụ tháp cầu bị ăn mòn, hoen rỉ... Cùng với đó, hằng ngày, cây cầu phải oằn mình cõng một lượng lớn hàng hóa và người qua lại ngày càng tăng bởi nhu cầu phát triển của các xã phía bắc của huyện.

Thời gian tới, dưới tác động của sự biến đổi dị thường thời tiết, mưa lũ lớn đổ về, cầu treo này dễ bị sạt lở, có nguy cơ sập mố cầu, rất nguy hiểm… Do đó, để bảo đảm an toàn cho cây cầu, địa phương đã ra thông báo nghiêm cấm xe có tải trọng (hơn một tấn) qua lại và hàn thanh chắn ngang, hạn chế xe có chiều cao đi qua. Hiện chỉ có xe máy, xe ô-tô nhỏ, tải trọng dưới một tấn đi qua.

a3.jpg -0
 Hệ thống dây cáp bị nghiêng, lệch, cứa vào thành cầu.

Có mặt trên cây cầu, chúng tôi khá lo lắng, mỗi khi có vài chiếc xe máy đi qua cùng lúc, cây cầu đã đều rung lên, nhất là đầu cầu phía bắc; chưa kể xe ô-tô qua lại...

Tại đầu cầu phía nam, chúng tôi gặp anh Lô Công Thắng, ở bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập, lái chiếc xe tải BKS 37C- 287.72 cho biết, vợ chồng anh vay mượn mua một chiếc xe tải nhỏ, tải trọng 1,2 tấn, phục vụ việc vận chuyện hàng cho bà con trong vùng, nhưng do cây cầu quá yếu, buộc phải cắt thùng xe cho phù hợp; hôm nào muốn chở thêm, đều phải “tăng bo” hàng qua cầu bằng xe máy vừa bất tiện, vừa tăng chi phí thời gian và cước vận chuyển.

Vợ chồng anh Lô Công Thắng cho biết, cũng như những người dân trong địa bàn, mọi người đều mong mỏi có một cây cầu bê-tông bắc qua để việc thông thương hàng hóa, đi lại thuận tiện hơn. “Khi có cầu mới, chúng tôi sẽ sắm thêm xe tải để vận chuyện hàng hóa thật nhiều phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển, sản xuất hàng hóa của bà con và địa phương trong vùng”, anh Lô Công Thắng cho biết thêm.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông; đồng thời, góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông trong vùng phía bắc huyện, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số ở các xã Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng nói riêng và huyện Kỳ Sơn nói chung thì việc đầu tư cây cầu Xốp Nhị mới bằng bê-tông thay cầu treo cũ, đã xuống cấp là hết sức cấp bách và cần thiết.

Sau khi cầu Xốp Nhị được đầu tư xây mới, cầu treo cũ này sẽ được tân trang lại và tiếp tục sử dụng bắc qua một đoạn sông khác vì nhu cầu về cầu ở Kỳ Sơn còn rất lớn.

a2.jpg -0
 Xe vận tải nhỏ phải cắt thùng để có thể đi qua cầu treo Xốp Nhị.