Sớm gỡ vướng cho các doanh nghiệp công ích tại Hà Nội

Do vướng mắc khi chuyển đổi từ cơ chế đặt hàng sang cơ chế đấu thầu theo quy định mới, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ công ích của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, do chưa được thanh toán các chi phí hoạt động trong thời gian từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả trúng thầu. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có hướng giải quyết, để bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp, ổn định an sinh xã hội.

Nhiều tuyến xe buýt tại Hà Nội hiện chưa được thanh toán chi phí hoạt động trong quý I-2020. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nhiều tuyến xe buýt tại Hà Nội hiện chưa được thanh toán chi phí hoạt động trong quý I-2020. Ảnh: ĐĂNG ANH

Nhiều doanh nghiệp kêu khó

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, TP Hà Nội hiện có 104 tuyến xe buýt được trợ giá. Từ năm 2019 về trước, các tuyến này được thành phố trợ giá bằng ngân sách theo phương thức đặt hàng dịch vụ. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2020, tất cả các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có dịch vụ xe buýt, phải chuyển sang thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NÐ-CP của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, có nghĩa là phải thực hiện đấu thầu. Do lần đầu thực hiện đấu thầu với khối lượng lớn, cho nên đến cuối năm 2019, mới có 46 tuyến xe buýt được đấu thầu. 68 tuyến xe buýt còn lại thực hiện đấu thầu trong quý I-2020, đến ngày 1-4-2020 mới hoàn tất. Tuy nhiên, để bảo đảm hoạt động xe buýt không bị gián đoạn, bảo đảm nhu cầu đi lại của hành khách, các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bình thường của hệ thống xe buýt. "Từ ngày 1-4-2020, tất cả các tuyến buýt có trợ giá của Hà Nội đã đấu thầu xong và hoạt động bình thường. Trung tâm cũng chi trả tiền trợ giá quý II, quý III và 50% của quý IV-2020 cho các doanh nghiệp, nhưng tiền quý I-2020 thì chưa được thanh toán", ông Phương cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho biết, vì chưa kịp thực hiện đấu thầu trước ngày 1-1-2020, đến nay 68 tuyến xe buýt của bảy doanh nghiệp chưa được thanh toán chi phí hoạt động ba tháng đầu năm 2020. Ðể có chi phí duy trì hoạt động, trả lương cho cán bộ, công nhân viên, các doanh nghiệp phải vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng, với lãi suất từ 7 - 8%/năm. Hiện nay cơ chế thanh toán vẫn đang gặp vướng mắc, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ cao là nhiều tuyến buýt phải tạm ngừng hoạt động. Trong đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội có 46 tuyến bị ảnh hưởng và vẫn đang phải bù đắp doanh thu từ các mảng kinh doanh khác để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe buýt. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực cầm cự. Công ty cổ phần ô-tô vận tải Hà Tây là đơn vị đầu tiên "kêu cứu" các cơ quan chức năng của thành phố về nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai) do thu không đủ bù chi.

Không chỉ xe buýt, một số dịch vụ công ích khác của TP Hà Nội như thủy lợi, môi trường, thoát nước, cây xanh… cũng đang gặp khó khăn do vướng cơ chế đấu thầu theo quy định mới, thay vì đặt hàng như trước kia. Như trong lĩnh vực thủy lợi, chỉ còn khoảng hai tháng nữa là chính thức bước vào vụ lúa xuân 2021, nhưng đến nay nhiều công trình thủy lợi phục vụ nước tưới sản xuất, nhất là các công trình nội đồng bị xuống cấp, rất cần được sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm công suất thiết kế. Bốn công ty thủy lợi của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, tổng hợp và đề xuất nhu cầu kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Dự kiến thời gian sửa chữa hoàn thành trong tháng 12-2020. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ, việc bố trí kinh phí triển khai công tác sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi rất khó khăn vì nguồn kinh phí thanh toán phục vụ vụ xuân 2019 - 2020 đến nay chưa được thanh toán. Phương án cung ứng dịch vụ thủy lợi trong các năm tới cũng chưa có. Ba công ty: Ðầu tư phát triển thủy lợi sông Ðáy, Ðầu tư phát triển thủy lợi sông Tích, Ðầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cũng gặp khó khăn về kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình và trả lương cho công nhân. Theo tổng hợp của bốn công ty thủy lợi nêu trên, tổng số kinh phí thực hiện dịch vụ công ích thủy lợi vụ xuân năm 2020 là 243 tỷ đồng chưa được thành phố thanh toán, dẫn đến việc nợ lương tháng 2, tháng 3-2020 của hơn 3.400 công nhân; nợ tiền đóng bảo hiểm, chi phí tiêu thụ điện năng và thanh toán hợp đồng dẫn nước cho các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương.

Ðề xuất hướng tháo gỡ

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 5477/UBND-KT gửi Chính phủ đề nghị được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thực hiện Nghị định số 32 trên địa bàn thành phố. Theo lãnh đạo thành phố, đến thời điểm hiện nay, các lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên phải thực hiện theo phương thức đấu thầu đã hoàn thành xong công tác lựa chọn nhà thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công theo đúng quy định. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, có một số ít lĩnh vực, các đơn vị chưa hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 31-12-2019 để thực hiện việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ ngày 1-1-2020. Các lĩnh vực này gồm: Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, duy tu, duy trì vệ sinh môi trường, thoát nước, cây xanh, cung ứng dịch vụ thủy lợi...

UBND thành phố cho biết, từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu trùng với dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, để bảo đảm tính ổn định, liên tục, không bị gián đoạn và phục vụ an sinh xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, xã hội trên địa bàn, các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên năm 2019 vẫn phải tiếp tục thực hiện công tác duy tu, duy trì các lĩnh vực dịch vụ công nêu trên. Do các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước không bảo đảm đồng thời các điều kiện thực hiện theo phương thức đặt hàng quy định theo Nghị định số 32, cho nên hiện nay, khối lượng thực hiện của các đơn vị hoạt động công ích trong khoảng thời gian nêu trên chưa đủ điều kiện để tạm ứng, thanh toán và quyết toán. Việc này dẫn đến khó khăn cho đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước về nguồn vốn hoạt động và chi trả lương cho người lao động.

Vì vậy, để có cơ sở thanh toán, quyết toán kinh phí đối với khối lượng đã thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả trúng thầu, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép UBND thành phố thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với phần khối lượng đã thực hiện. Mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020 làm cơ sở để thanh toán và quyết toán kinh phí.