Rét đậm, bệnh nhân tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

NDO -

Do không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ hạ thấp nên lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý đường hô hấp, bệnh đột quỵ, tim mạch… nhập viện điều trị tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn nếu không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Rét đậm, bệnh nhân tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Một tuần nay, do không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ hạ thấp nên số lượng trẻ mắc bệnh lý về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm họng, bệnh đường tiêu hóa và các bệnh có xu hướng dịch thí dụ như: Sốt virus, cúm, thủy đậu... tăng đột biến ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Theo thống kê của Bệnh viện, vào ngày thường, số lượng trẻ đến khám, điều trị dao động từ 800 - 1.000 bệnh nhi/ngày. Những ngày giá rét, số trẻ đến khám, nhập viện tăng lên vào khoảng 1.200 - 1.500 bệnh nhi/ngày. 

Còn tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNĐK) tỉnh Nghệ An, số lượng bệnh nhân tuy không tăng mạnh nhưng số ca nhập viện trong tình trạng nặng lại tăng đáng kể, chủ yếu là người cao tuổi. Nếu như ngày thường, ở Khoa có khoảng 160 bệnh nhân nhập viện, thì vào ngày giá rét, số bệnh viên nhập viện khoảng 210 người/ngày.

Trao đổi với phóng viên, ThS, BS Nguyễn Xuân Tân, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện HNĐK tỉnh Nghệ An cho hay: Thời tiết chuyển mùa từ ấm sang lạnh, bệnh nhân thường mắc các bệnh lý đường hô hấp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm mạn, đột quỵ là rất nhiều. Bệnh nhân mắc bệnh lý đường hô hấp chiếm khoảng 20% số bệnh nhân vào khoa, còn đột quỵ thì khoảng 20-22 bệnh nhân/ngày.

“Để phòng các bệnh vào thời điểm giá rét, với những người có bệnh lý nền cần phải giữ gìn sức khỏe, tránh làm việc nặng, uống thuốc đầy đủ, đúng liều theo đơn của bác sĩ. Phòng đột quỵ, tai biến, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể,  tránh tiếp xúc lạnh đột ngột, uống thuốc và kiểm soát huyết áp hàng ngày”, BS Nguyễn Xuân Tân, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện HNĐK Nghệ An khuyến cáo.

Trời lạnh, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng so ngày bình thường. Để chống rét cho bệnh nhân cũng như người nhà, bệnh viện đã bổ sung lắp đặt thêm điều hòa hai chiều, thêm quạt sưởi, 100% giường bệnh đều có chăn, đệm, gối đầy đủ. Để hạn chế việc bệnh nhân phải ra ngoài phòng khi nhiệt độ xuống thấp, bệnh viện tăng cường công tác khám, chữa bệnh ngay tại giường bệnh, TS Phạm Hồng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nhị đa khoa tỉnh cho biết.

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch

Ngày 30-11-2020, tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện ca bệnh số 1342, 1347… nhiễm Covid-19. Điều đặc biệt nguy hiểm là các ca này đã lây từ những người cách ly sau nhập cảnh ra cộng đồng.

Hiện nay, nguồn lây Covid-19 ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng được xác định từ những người nhập cảnh về từ vùng dịch. Với những trường hợp nhập cảnh hợp pháp thì đã được cách ly phòng bệnh ngay khi bước xuống sân bay. Tuy nhiên, đã xuất hiện những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi được điều trị khỏi lại tái dương tính. Trường hợp mới nhất là bệnh nhân Đ.Q.Nh. (BN 1291) tái dương tính với SARS-CoV-2 khi trở về nhà ở Quảng Bình sau thời gian điều trị tại TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân 1291 được phát hiện tái dương tính vào ngày 7-12.

Theo các chuyên gia y tế thì các ca bệnh tái dương tính, khả năng lây nhiễm sang người khác không cao. Tuy nhiên, Covid-19 là một dịch bệnh mới nên chưa thể nói trước một điều gì. Ở Nghệ An cũng vừa xuất hiện một trường hợp nghi tái dương tính với SARS-CoV-2.

 Ngày 9-12-2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thực hiện xét nghiệm RT-PCR  đối với ca bệnh 1244 (ở xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu). Trong quá trình xét nghiệm, các y, bác sĩ phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ca bệnh này tái dương tính Covid-19 trở lại. Ngay lập tức, cả hệ thống chính trị xã hội đã gấp rút vào cuộc triển khai các biện pháp phòng dịch. Rất may, kết quả xét nghiệm sau đó của ca bệnh 1244 cho kết quả âm tính.

Cùng với những trường hợp nhập cảnh hợp pháp được cách ly thì các trường hợp nhập cảnh trái phép là một mối lo ngại lớn. Rất có thể Covid-19 sẽ theo những người này xâm nhập vào nội địa. Thông tin từ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam: Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước hiện đang diễn biến phức tạp. Một số lao động ở Lào, Trung Quốc về không muốn cách ly nên nhập cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở, một số lao động từ Brunei nhập cảnh trái phép về nước qua tuyến biển.

Việc nhập cảnh trái phép chủ yếu được tiến hành thông qua mạng xã hội, Zalo. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Đáng chú ý, một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.

Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cảnh báo: Chuẩn bị tới Tết Nguyên đán, nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân ở vùng biên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, đặc biệt trong mùa nông nhàn. Vì nhu cầu mưu sinh, có những người đã, đang và sẽ tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép...

Ở Nghệ An, mới đây cũng phát hiện một trường hợp ở bản Thanh Tiến, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, (Nghệ An) nhập cảnh trái phép từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về quê sáng ngày 8-12-2020.

Ngay lập tức Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện cử cán bộ lên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lấy mẫu mẫu bệnh phẩm gửi xuống Trung tâm Kiểm soát bệnh bệnh tật tỉnh Nghệ An để xét nghiệm SARS- CoV-2, điều tra dịch tễ các đối tượng liên quan.

Qua điều tra dịch tễ, huyện Thanh Chương phát hiện có hai người ở xã Thanh Đức cùng về trên chuyến xe với trường hợp nhập cảnh trái phép này, sau đó đã đi giỗ, tiếp xúc cùng với 52 người khác. Tất cả đều được yêu cầu cách ly, theo dõi tại nhà.

Cũng rất may mắn là kết quả xét nghiệm đối tượng nhập cảnh trái phép này có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Người dân Nghệ An được một phen “hết hồn”.

Đẩy mạnh công tác phòng bệnh từ cơ sở y tế

Thời điểm cuối năm, do không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ hạ thấp, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh như virus cúm mùa, A, B hoành hành, nguy cơ Covid-19 rình rập đã và đang là mối lo của ngành y tế nói riêng và người dân toàn tỉnh Nghệ An nói chung.

Thế nhưng, đâu đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý chủ quan. Nhiều người ra đường, đến nơi công cộng không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, không hạn chế tiếp xúc. Họ đang thiếu ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Trong khi đó, tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh dịp này, số bệnh nhân tăng, nhiều bệnh nhân nặng. Bản thân các đơn vị đang chuẩn bị tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong đó có những sự kiện lớn, nguy cơ lây nhiễm rất cao...  Rút kinh nghiệm từ “ổ dịch” tại các bệnh viện thành phố Đà Nẵng vừa qua; để tránh lây lan dịch, thực hiện “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-12-2020, Sở Y tế Nghệ An đã có Công văn số 4420/ SYT- NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Sở Y tế Nghệ An yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập nghiêm túc thực hiện: “Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành về phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh.

Thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ trường hợp nghi ngờ; tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào bên trong bệnh viện; rà soát các khoa có người bệnh có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, khoa điều trị người cao tuổi, chạy thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp... Kiểm soát chặt người vào ra, không để hoặc hạn chế tối đa việc người nhà người bệnh chăm sóc”.

Sau công văn, nhiều bệnh viện trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các khâu sàng lọc, phân luồng, thực hiện khai báo y tế đối với bệnh nhân và người nhà. Tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị khác vì nhiều nguyên nhân (thiếu nhân lực, bất cập cổng ra vào) vẫn đang để “lọt lưới” người ra vào bệnh viện; thậm chí ở một số đơn vị, nhân viên bệnh viện và người nhà chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm.