Quảng Nam huy động hơn 33 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

NDO -

Trong 10 năm qua, Quảng Nam đã huy động tổng nguồn vốn hơn 33 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM); trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 14,5 nghìn tỷ đồng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Ngày 18-12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và phong trào thi đua ”Chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, trong 10 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện bê tông hóa gần 5.400 km giao thông nông thôn, 630 km giao thông nội đồng, đã xây dựng 456 công trình thủy lợi nhỏ, kiên cố, tu sửa gần 1.270 km kênh mương loại III. Đồng thời đầu tư xây dựng hơn 787 km đường dây điện trung áp, hơn 1.083 km đường dây hạ áp, 850 trạm biến áp; xây dựng mới, nâng cấp 160 nhà văn hóa xã, 156 khu thể thao xã, 609 nhà văn hóa thôn, 363 khu thể thao thôn….

Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi đáng kể; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 40,5 triệu đồng (tăng 30,3 triệu đồng so năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,3% (giảm hơn 18,9% so năm 2010)... Dự kiến, đến cuối năm 2020, cả tỉnh có 116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 58%). Hiện, có hai địa phương là huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn được Thủ tướng Chính phủ công đạt chuẩn huyện NTM.

Quảng Nam đề ra mục tiêu, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 160 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 80%; trong đó, 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM và phấn đấu trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2035.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Nam đã đề ra 13 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung xây dựng, rà soát quy hoạch, hệ thống cơ chế, chính sách, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo; chú trọng công tác giảm nghèo và an sinh xã hội một cách bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, các cấp, ngành và địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ chính. Đó là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phong trào xây dựng NTM; đổi mới phương thức lãnh chỉ đạo, sát với thực tiễn, linh hoạt; ban hành cơ chế chính sách mới để xây dựng NTM; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chính để xác định tiêu chí đạt chuẩn NTM.

Dịp này, UBND tỉnh đã trao Bằng khen tặng 45 tập thể và 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.