Quảng Bình xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn

Gần đây, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Quảng Bình có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chính là do các xã có tiềm lực đã "về đích", số xã còn lại chủ yếu ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng.

Người dân xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chăm sóc vườn bưởi.
Người dân xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chăm sóc vườn bưởi.

Vì vậy, tỉnh đang tìm cách gỡ khó cho xây dựng NTM bằng cách chọn các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí làm trước, mỗi xã xây dựng một mô hình điểm để nhân rộng.

Nhiều cách làm linh hoạt

Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Quảng Bình Hoàng Tiến Cường cho rằng, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Quảng Bình trong xây dựng NTM là khuyến khích địa phương phát huy lợi thế hoặc có cách làm sáng tạo với sự đồng thuận cao của người dân. Từ thực tiễn cho thấy, nhiều xã có điều kiện khó khăn song đã tìm được cách làm riêng, phù hợp với địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM.

Nằm sát biên giới Việt Nam - Lào, xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa là xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, trong xây dựng NTM, xã đã tìm được cách làm riêng phù hợp với "khả năng" của mình và mang lại hiệu quả cao. Chủ tịch UBND xã Hương Hóa Nguyễn Thị Thao cho biết, mấu chốt ở đây là địa phương đã biết phát huy sức mạnh cộng đồng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng NTM. "Hệ thống đường giao thông trong xã còn chật hẹp và gập ghềnh. Muốn làm phải có kinh phí nhưng không thể ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Cấp ủy, chính quyền xã họp dân, vận động người dân hiến đất mở đường. Khi hiểu được chủ trương và cách làm công khai thì người dân đồng thuận ủng hộ mà không đòi hỏi hỗ trợ, đền bù" - đồng chí Nguyễn Thị Thao chia sẻ.

Ở vùng giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều đặc sản là bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây nổi tiếng, lãnh đạo UBND xã Hương Hóa khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp để trồng cam, bưởi từ nguồn giống của địa phương bạn. Do có sự tương đồng về đất đai, khí hậu cho nên các loại cây đặc sản này ở Hương Hóa ngon không kém trồng tại Hà Tĩnh. Giá cam, bưởi tại Hương Hóa khá cao, lại được thu mua ngay tại gốc cho nên thu nhập của người dân được nâng lên. Từ một xã nghèo vùng giáp ranh, qua 10 năm xây dựng NTM, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Hương Hóa còn dưới 5%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế phục vụ đời sống dân sinh được xây dựng đầy đủ. Cuối năm 2019, Hương Hóa là xã 135 đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được công nhận xã NTM.

Còn xã miền núi Trường Thủy, huyện Lệ Thủy dù đã được công nhận là xã NTM nhưng một số tiêu chí về phát triển kinh tế, thu nhập người dân mới đủ chuẩn. Vì vậy, thời gian qua, Trường Thủy nỗ lực xây dựng "Khu dân cư kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu" để nâng tầm chất lượng NTM. UBND xã tích cực tuyên truyền, chỉ đạo các hộ dân xây dựng vườn kiểu mẫu nhằm tạo diện mạo mới trong các khu dân cư, góp phần thay đổi thói quen sản xuất của người dân và nâng cao giá trị nông sản. Anh Ðỗ Tiến Tình là một trong 20 hộ đăng ký xây dựng vườn mẫu đợt đầu tiên của xã và bây giờ là chủ nhân khu vườn rộng 2,8 ha được phủ xanh bằng nhiều loại cây. Trong đó có 400 gốc hồ tiêu, 700 cây cam Khe Mây, 300 gốc thanh long ruột đỏ... Nhờ sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trẻ này mà cả vùng đồi rộng lớn đã được quy hoạch bài bản, cây cối tốt tươi. Bước đầu anh Tình đạt thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.

Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Nguyễn Hữu Tình cho biết, toàn xã hiện có năm khu vườn mẫu được người dân quy hoạch từng lô thửa thẳng tắp, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và công sức, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Một số vườn cây ăn quả bước đầu đã có thu hoạch. Việc đầu tư cải tạo vườn để trồng cây ăn quả chắc chắn sẽ cao gấp nhiều lần so với trồng rừng keo lai như trước, đồng thời mở ra triển vọng để phát triển vùng cây đặc sản ở miền tây Lệ Thủy. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương, để phát huy tiềm năng vùng đất phía tây và vùng cát ven biển nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình "Khu dân cư kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu" trên cơ sở bộ khung gồm năm nội dung mà huyện ban hành. Lệ Thủy coi đây là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng NTM. Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng bước đầu, phong trào xây dựng vườn mẫu ở Lệ Thủy được người dân tích cực hưởng ứng và mang lại kết quả cao.

Qua đó tạo nên sản phẩm nông nghiệp sạch, góp phần tạo sự thay đổi lớn cho bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng NTM.

Lan tỏa từ điểm sáng bản NTM

Quảng Bình có nhiều xã miền núi, vùng biên giới, để các xã này sớm đạt chuẩn NTM là không dễ, nếu không có những cơ chế, chính sách đặc thù và tập trung nguồn lực đầu tư lớn. Trong đó, việc tạo sinh kế cho người dân không chỉ là mục đích mà còn là động lực thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở các địa phương. Vì vậy, tỉnh chủ trương xây dựng các mô hình NTM cấp bản. Theo đó, mỗi xã chọn một, hai bản để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng bản NTM. Từ các điểm sáng này sẽ tạo tiền đề và lan tỏa sang những bản, làng khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Ðinh Minh Hương cho biết, huyện chọn bốn bản gồm: bản Dộ - Tà Vờng, xã Trọng Hóa; bản Ka Ai, xã Dân Hóa; bản Lương Năng, xã Hóa Sơn và bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa để xây dựng bản NTM. Ðây là các bản có 100% số đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tuy nhiên có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều nét văn hóa riêng biệt, có thể phát huy giá trị. Ðể thực hiện mục tiêu đặt ra, UBND huyện phân công và gắn trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chức năng với đồn biên phòng, các xã; đồng thời bám sát đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025", từ đó sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ các bản xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo định hướng tiêu chí NTM. Huyện Minh Hóa hỗ trợ sản xuất cho đồng bào bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Ðến cuối năm 2019, Quảng Bình có thêm 11 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM, nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh lên 73 xã. Tỉnh có gần 2.200 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân đạt 16,1 tiêu chí/xã, tăng 0,9 tiêu chí/xã so với cuối năm 2018, không còn xã dưới năm tiêu chí. Năm 2020, Quảng Bình phấn đấu có thêm ít nhất 11 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, trong khi nhiều xã ở đồng bằng đã chuyển sang giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, thì một số xã ở miền núi có số tiêu chí đạt thấp.