Quản lý, kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại

Sinh vật ngoại lai (SVNL) xâm hại, là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. SVNL xâm hại có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của người dân tại nhiều nước trên thế giới.

Cánh đồng ở xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) bị bèo tây Nhật Bản xâm lấn không thể canh tác. Ảnh: THANH HUYỀN
Cánh đồng ở xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) bị bèo tây Nhật Bản xâm lấn không thể canh tác. Ảnh: THANH HUYỀN

SVNL có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm: Các loại vi-rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Sự xâm lấn của SVNL có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người. Chính vì mức độ gây hại nghiêm trọng của các loại SVNL, mỗi quốc gia đều có chiến lược quản lý SVNL phù hợp và được quy định trong các văn bản luật có liên quan về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ðồng thời, các quốc gia trên thế giới còn đầu tư nhiều kinh phí để nghiên cứu, đánh giá nguy cơ dịch hại nhằm kiểm soát tốt các loài SVNL của quốc gia mình.

Tại Việt Nam, các loài SVNL xâm hại hầu như ít được chú ý cho đến nửa đầu những năm 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ đồng bằng sông Cửu Long đến đồng bằng Bắc Bộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp. Kể từ đó, các loài SVNL xâm hại mới từng bước được nhìn nhận như một vấn đề thời sự đối với Việt Nam. Ðáng lo ngại, thời gian gần đây mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát SVNL xâm hại; tuy nhiên một số đối tượng vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi, trồng các loài SVNL xâm hại như rùa tai đỏ, tôm hùm nước ngọt… với mục đích kinh doanh kiếm lời. Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên ở Việt Nam hiện vẫn đang chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập theo các con đường tự nhiên như: Cây mai dương (Mimosa pigra), bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima), cây trinh nữ móc (Mimosa diplotricha)... đã và đang tác động đến môi trường sống, sự đa dạng sinh học ở nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, diện tích nông nghiệp tại các địa phương hiện nay.

Các chuyên gia lĩnh vực đa dạng sinh học cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do nhận thức của người dân về mối nguy hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai còn chưa đầy đủ, cho nên nhiều loài vẫn được người dân nhập lậu để nuôi trồng hoặc kinh doanh do có các mối lợi trước mắt. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về quản lý, kiểm soát SVNL xâm hại chưa đồng bộ. Cụ thể như Luật Ða dạng sinh học (năm 2008), mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi, trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Trong khi đó, các văn bản quy định chưa đề cập đến những yêu cầu cụ thể để quản lý loài ngoại lai xâm hại; dẫn đến tình trạng pháp luật chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn hiện nay.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Võ Tuấn Nhân cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg, ngày 8-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, Bộ TN và MT đã có văn bản gửi các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Ðề án ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các nội dung như: Ðiều tra, đánh giá hiện trạng và mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại; thống kê, xây dựng và công bố danh mục loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và sơ đồ phân bố của các loài ngoại lai xâm hại; xây dựng, xuất bản và phổ biến các tài liệu hướng dẫn về nhận dạng và phân loại, biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và diệt trừ loài ngoại lai xâm hại. Bộ TN và MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát hoạt động nuôi, trồng các loài ngoại lai và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Triển khai  nghiên cứu, áp dụng giải pháp công nghệ để xác định hướng lây lan của các loài ngoại lai xâm hại dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp phục hồi hệ sinh thái bằng những loài cây bản địa nhằm ngăn ngừa sự tái xâm nhập của loài ngoại lai xâm hại.

Các chuyên gia, các nhà khoa học đề nghị việc phòng trừ các đối tượng SVNL cần tiến hành sớm bằng các biện pháp phù hợp với từng vùng sinh thái và mức độ xâm hại cụ thể. Bởi việc phòng trừ sớm không chỉ đạt hiệu quả cao, chi phí thấp mà còn cho phép áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, nhất là có thể lựa chọn các biện pháp an toàn như biện pháp thủ công hay sử dụng tác nhân sinh học. Trong trường hợp đặc biệt buộc phải sử dụng đến các loại hóa chất, thì có thể sử dụng một cách có kiểm soát và lựa chọn các hóa chất ít độc hại nhất. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về những tác hại của loài ngoại lai xâm hại; các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết và thực hiện tại địa phương mình một cách hiệu quả.