Phục hồi sau mưa lũ phải đi song song với phòng, chống bão số 8

NDO -

Chiều 23-10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo về các biện pháp ứng phó với bão số 8 trên Biển Đông.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 8.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 8.

Sáng 27-10, dự báo sẽ xuất hiện bão số 9

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, bão số 8 mạnh nhất khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 12-13, giật 15, hướng về khu vực đất liền các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị, thời gian ảnh hưởng trực tiếp ngày 25-10. Khi vào trong kinh tuyến 111E bão có xu hướng suy yếu, gần bờ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. 

Dự báo bão số 8 gây mưa ở các tỉnh Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế, lượng mưa ngày 24 và 25-10 từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Theo dự báo, ngày 25-10 kết thúc bão số 8 sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển đông, đêm 26, sáng 27-10 dự báo sẽ xuất hiện bão số 9.

Để ứng phó với bão số 8, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão số 8.

Phục hồi sau mưa lũ phải đi song song với phòng chống bão số 8 -0
 Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tính đến 16 giờ ngày 22-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu và 289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, có năm phương tiện với 44 lao động hoạt động ở khu vực Hoàng Sa đều đã nắm được thông tin về bão số 8 và đang di chuyển tránh trú.

Riêng tàu BĐ-9721-TS có năm thuyền viên đang nằm trong vùng nguy hiểm, đến 10 giờ 20 phút ngày 23-10 vẫn duy trì liên lạc với chủ tàu và thuyền trưởng, tàu đang thả neo tại 17050 vĩ bắc, 114050 kinh đông.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có tổng số 525 tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại các khu vực cảng biển.

Không được chủ quan trước cơn bão số 8

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến giờ phút này, bão số 8 cường độ vẫn rất mạnh. Mặc dù dự báo, cảnh báo đều đánh giá bão số 8 sẽ giảm cường độ khi vào đất liền và ít gây hoàn lưu mưa, nhưng Bộ trưởng đề nghị các địa phương và nhân dân không chủ quan.

“Chưa bao giờ lịch sử lặp lại trong một tháng có năm cơn bão. Hoàn lưu liên tục lởn vởn khu vực này, đuôi cơn bão này nối đầu cơn kia nên không đơn giản”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.

Bộ trưởng cho biết, trưa hôm qua biển Quảng Bình động rất mạnh mặc dù chưa có tác nhân từ bão số 8.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý cảnh giác bão số 8, vì hướng tuyến của bão số 8 đúng vào khu vực tổn thương vừa xảy ra mưa lũ, bão chồng bão, lũ chồng lũ.

Để phòng chống bão số 8, Bộ trưởng lưu ý triển khai thực hiện các nội dung:

Triển khai các hoạt động bảo đảm hoạt động trên biển phải an toàn: Rà soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ; Quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi; rà soát, kiểm đếm tàu thuyền.

Chỉ đạo và thực hiện bảo đảm an toàn cho các hoạt động du lịch (du lịch đảo, ven biển), sản xuất nuôi trồng thủy hải sản; nhất là an toàn về người trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

Bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, có biện pháp để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ với các tàu đang bị sự cố (hạn chế thiệt hại do sự cố môi trường có thể xảy ra).

Rà soát chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm an toàn người dân và tài sản đối với khu vực ven biển, vùng trũng thấp và nhà yếu.

Kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công; khu vực sạt lở; quản lý an toàn giao thông nhất là khi bão vào, tránh thiệt hại về người và tài sản.

Phục hồi, tái thiết sau mưa lũ, ngập lụt miền trung

Theo Bộ trưởng, cần triển khai song song hai nhiệm vụ phục hồi, tái thiết sau mưa lũ, ngập lụt miền trung và ứng phó với con bão số 8, theo đó các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện và hỗ trợ các địa phương:

Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất, đời sống, môi trường sau mưa lũ ngập lụt nghiêm trọng vừa xảy ra.

Các địa phương kiểm tra có phương án để bảo đảm an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình khi có bão vào.

Điều hành, vận hành hồ chứa đúng quy trình, đảm bảo an toàn. Đề nghị Tập đoàn điện lực EVN, các chủ hồ và các địa phương hết sức cảnh giác, nhất là Hồ Kẻ Gỗ và Hồ Tả Trạch.

Tăng cường tần suất dự báo, cảnh báo, xử lý các bản tin dự báo bão nhanh chóng, chính xác hơn, dễ nghe, dễ hiểu. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, diễn biến và các hoạt động ứng phó bão.

138 người chết và mất tích do mưa lũ miền trung

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai, tổng số thiệt hại về người do mưa lũ từ ngày 6 đến 22-10 là 138 người, trong đó có 117 người chết và 21 người mất tích. Trong đó, sạt lở đất: 60 người; lũ: 65 người; tai nạn trên biển: tám người; nguyên nhân khác: năm người.

Địa phương thiệt hại về người lớn nhất là Quảng Trị với 50 người chết, bốn người mất tích. Tiếp đến là Thừa Thiên Huế 28 người chết, 15 người mất tích; hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam đều có 11 người chết; Hà Tĩnh có sáu người chết; Đà Nẵng có ba người chết, một người mất tích; Nghệ An và Kon Tum có hai người chết; Gia Lai có một người chết, một người mất tích; các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng có một người chết.

Có 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt, trong đó nhiều nhất là Quảng Bình 21.902 nhà.

Mưa lũ làm 533 ha lúa, 3.886 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.152 con gia súc, 740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, đường Hồ Chí Minh có tổng số 21 điểm còn ách tắc.

Hiện nay, lũ trên các sông tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang xuống mức dưới báo động 1; Lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống, lúc 7 giờ 23-10 tại Lệ Thủy là 2,43m dưới báo động 3 là 0,27m. Dự báo trong ngày 23-10 mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy tiếp tục xuống.

Tính đến 10 giờ ngày 23-10, tỉnh Hà Tĩnh nước đã rút, không còn tình trạng ngập lụt. Tỉnh Quảng Bình chỉ còn 1.895 hộ bị ngập, giảm 19.995 hộ. Cụ thể, huyện Lệ Thủy còn 1.000 hộ bị ngập, huyện Quảng Ninh 437 hộ, huyện Minh Hóa 450 hộ... Hiện lũ đang rút.

Mưa lũ nghiêm trọng ở miền trung