Phong trào thi đua yêu nước thúc đẩy Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững (ĐỜI SỐNG XÃ HỘI)

Vượt lên những khó khăn của tỉnh miền núi, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo ra động lực mạnh mẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đã đề ra, tiến tới mục tiêu thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Cầu Bình Ca bắc qua sông Lô hoàn thành và đưa vào sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cầu Bình Ca bắc qua sông Lô hoàn thành và đưa vào sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điểm nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 ở Tuyên Quang là gắn chặt với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi phong trào thi đua được phát động đều gắn với sự kiện chính trị lớn của tỉnh với những nội dung, hình thức, biện pháp thi đua sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị. Từ đó, đã tạo nên phong trào thi đua rộng khắp hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm nên các phong trào thi đua đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là: “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động với năng suất chất lượng hiệu quả”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa” gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; “Kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên trên địa bàn tỉnh”..., đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,18%; thu ngân sách năm 2020 dự kiến đạt 2.309 tỷ đồng, tăng 61,1% so với năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 18.029 tỷ đồng, bình quân tăng 12,1%/năm;... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Các phong trào thi đua trong sản xuất
nông, lâm nghiệp, thủy sản chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh gắn với xây dựng nông thôn mới, đã đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân hơn 4%/năm, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh; kinh tế lâm nghiệp phát triển, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong 5 năm đạt hơn bốn triệu mét khối, đáp ứng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ, giấy; tỷ lệ che phủ của rừng hơn 65%; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC hơn 25.300 ha; ngành thủy sản tiếp tục phát triển, bước đầu đã nhân giống và nuôi thành công một số loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu được đẩy mạnh, hết năm 2019, toàn tỉnh có 47 sản phẩm nông sản có nhãn hiệu và 47 cơ sở có sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tiêu biểu trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn là chương trình “Kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên trên địa bàn tỉnh”. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa 1.004 km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê-tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất; trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình người dân tự nguyện hiến đất, như: Gia đình ông Ðặng Tòn Hào, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình hiến 5.497,3 m2 đất; gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương hiến 2.340 m2 đất trồng rừng và 100 m2 đất ở...

Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức học tập theo các chuyên đề hằng năm, đưa vào nội dung sinh hoạt định kỳ học tập những lời dạy, bài phát biểu về đạo đức cách mạng, những câu chuyện về Bác Hồ để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời xây dựng những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị để thực hiện. Các cấp, các ngành tổ chức đăng ký nội dung làm theo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động của các ngành, cơ quan, đơn vị tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, toàn diện trên các lĩnh vực. Vì vậy, giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh đã có 403 lượt tập thể, 694 lượt cá nhân được biểu dương, khen thưởng, trong đó, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho ba tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phong trào thi đua Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các cấp, các ngành vào cuộc mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; cán bộ, đảng viên đã ý thức được vai trò trách nhiệm của mình trong tham mưu, chỉ đạo, vận động tuyên truyền, tổ chức triển khai và chung sức xây dựng NTM; người dân phát huy tốt vai trò làm chủ trong việc tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch, lựa chọn hạng mục đầu tư, ưu tiên những việc làm trước; thực hiện tốt việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 9.500 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt bình quân hơn 15 tiêu chí/xã; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, bảo đảm bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế (tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 4,5%/năm; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ đã được áp dụng; cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, hình thành những vùng sản xuất tập trung; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển cả về giá trị sản xuất và hình thức hoạt động), đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao; nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.

Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực, đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã có 52.485 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, với doanh số cho vay hơn 2.030 tỷ đồng; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 148.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện 513 mô hình trình diễn áp dụng các giống mới, kỹ thuật mới với hơn 13.500 hộ tham gia (trong đó có hơn 2.140 hộ nghèo); hỗ trợ cho hơn 4.200 hộ nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở, tổng kinh phí 111 tỷ đồng. Tất cả người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; học sinh con em hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được miễn, giảm học phí và hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 11,8% cuối năm 2019, bình quân giảm 4%/năm. Công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2019 xếp thứ 16 trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng 33 bậc so với năm 2015, góp phần cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS. Hoàn chỉnh đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng TP Tuyên Quang và thành lập các phường thuộc TP Tuyên Quang; đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh;  sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố và hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, ban hành 34 đề án về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, từ đó đã khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm nguồn lực, giảm thủ tục hành chính, bộ máy tinh gọn từng bước hiệu quả. Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện kịp thời các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành. Duy trì hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại để đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền sản xuất; thường xuyên tổ chức chương trình “Cà-phê doanh nhân” để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất, góp phần cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh (năm 2019, xếp thứ 32 trong số 63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2015).

Nói về kinh nghiệm tổ chức và triển khai các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Một là: Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát công tác thi đua, khen thưởng gắn với tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong từng thời kỳ.

Hai là: Coi công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trọng tâm đổi mới, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước; thường xuyên tuyên truyền, nêu gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước để nhân rộng, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo.

Ba là: Làm tốt công tác khen thưởng thường xuyên hằng năm, quan tâm khen thưởng thành tích đột xuất, thành tích trong từng chuyên đề công tác.

Bốn là: Thường xuyên bổ sung, kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp gắn với bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng đủ sức tham mưu thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ, công việc hằng ngày của từng người, từng cơ quan, đơn vị, cơ sở. Phát động sâu rộng và hiệu quả phong trào thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội XIII của Ðảng; trong đó tập trung thi đua thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.  Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng điển hình tiên tiến. Mỗi cấp, mỗi ngành từ cơ sở trở lên có kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua gắn với bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Phấn đấu mỗi ngành, địa phương, cơ sở đều có phong trào thi đua tiêu biểu và bồi dưỡng được những tập thể, cá nhân điển hình để nêu gương cho cán bộ và nhân dân học tập.