Phát triển giao thông nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Để giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế

Khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, rất nhiều địa phương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều nhận thấy, có lẽ cái khó nhất, hạn chế nhất chính là tiêu chí về giao thông. Giao thông chậm phát triển sẽ khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, cần nguồn kinh phí rất lớn và đây đang là “bài toán” khó đối với nhiều địa phương.

Kênh rạch chằng chịt là trở ngại trong làm đường nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long.
Kênh rạch chằng chịt là trở ngại trong làm đường nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long.

Khó khăn về nguồn vốn

Tuy đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện hệ thống đường nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa theo kịp  tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Đường nông thôn nhiều nơi chỉ có một làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, công tác bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều bất cập, chưa tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Cà Mau có 82 xã và phấn đấu có ít nhất 50% số xã “về đích” xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, còn bảy xã nữa phải “về đích” NTM mới đạt chỉ tiêu đề ra. Để hoàn thành khối lượng không nhỏ này, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng: Trên nền tảng kết quả đạt được, các đơn vị, địa phương cần khắc phục khó khăn, tiếp tục  hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2020, trong đó có tiêu chí về giao thông. Thới Bình là huyện đầu tiên của tỉnh Cà Mau được chọn xây dựng đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Đến nay, có 5 trong số 11 xã đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình xây dựng huyện NTM gặp nhiều  khó khăn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nông thôn. Xã Tân Phú được huyện chọn là xã điểm xây dựng NTM. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, xã vẫn còn ba tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, tổ chức sản xuất và giao thông. Hiện xã cần xây dựng mới và nâng cấp tám tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 40 km, kinh phí thực hiện hơn 46 tỷ đồng (trong đó có ba tuyến lộ xây mới với chiều dài 21 km, cần kinh phí 35,5 tỷ đồng),  đây là khoản kinh phí quá lớn đối với xã. Đối với xã thực hiện NTM nâng cao cũng vậy, xã Trí Phải đạt chuẩn NTM vào năm 2015, năm 2019 xã được chọn thực hiện NTM nâng cao, đến nay xã đạt 7 trong số 13 tiêu chí, nhưng tiêu chí giao thông vẫn chưa đạt và đang cần nguồn vốn để thực hiện.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết, một trong những trở ngại của Thới Bình nói riêng, Cà Mau nói chung trong xây dựng NTM là tiêu chí về giao thông, bởi khó khăn về nguồn vốn. Tiêu chí này thường về đích sau cùng, bởi vẫn còn một bộ phận không nhỏ cư dân sống phân tán dọc theo hệ thống kênh rạch chằng chịt. Trong khi đó, ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng với đặc thù là “dưới kênh, trên lộ” thì chuyện hoàn thiện giao thông không phải một sớm một chiều là xong. Đó là chưa kể vùng đất Cà Mau nền đất yếu, suất đầu tư làm lộ khá cao và phải thêm chi phí đầu tư cống thoát nước ngang con lộ để phục vụ sản xuất cho người dân.

Nhìn rộng ra toàn khu vực ĐBSCL, theo báo cáo tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ năm 2019,  toàn quốc có 13 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm xã thì riêng khu vực ĐBSCL có tới 11 xã. Khu vực ĐBSCL có 3.825 xóm, ấp thì 777 xóm, ấp chưa có đường ô-tô tiếp cận; chỉ có 32 trong tổng số 92 huyện đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 693 xã trong tổng số 1.061 xã đạt tiêu chí về giao thông. Theo các chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải thì một trong những lý do chính của tình trạng nêu trên là do điều kiện địa lý, khu vực này đang phải chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông gặp nhiều khó khăn, công trình đòi hỏi kiên cố, chịu được tác động của môi trường dẫn đến suất đầu tư cao hơn so với các vùng khác...

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Trong những năm trở lại đây, tỷ trọng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL liên tục tăng, nhất là giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đầu tư lên tới 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Trong thời gian tới, tổng mức đầu tư cho giao thông vùng ĐBSCL sẽ được ưu tiên bố trí kịp thời, tương xứng để hoàn thành các quy hoạch phát triển giao thông đã được phê duyệt. Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung nguồn vốn để ưu tiên thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch, cấp bách. Ngoài ra, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung các dự án khai thông các tuyến kênh; nâng cấp một số cây cầu để nâng tĩnh không thông thuyền cho tàu thuyền dễ dàng đi lại; nghiên cứu một cảng nước sâu cho vùng ĐBSCL, ưu tiên vận tải ven biển… góp phần giảm tải đường bộ và hạ giá thành vận chuyển. 

Như vậy, hệ thống giao thông nông thôn tại ĐBSCL đương nhiên được hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong dân, doanh nghiệp… để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn tại các khu vực địa phương như huyện, xã, thôn cũng cần phải được tiến hành một cách khẩn trương, tích cực, đồng thời phải khéo léo, hợp lý, không quá sức dân.  Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) Trần Văn Thành cho biết: Bài học trong xây dựng NTM là nếu có sự đồng thuận của người dân, Nhà nước và nhân dân cùng làm thì mọi việc triển khai rất thuận lợi. Nhờ người dân hưởng ứng rất nhiệt tình  cho nên huyện Gò Công Đông đã đạt được các tiêu chí NTM đúng tiến độ. Nhiều câu chuyện về sự góp sức của người dân trở thành bài học hay trong công tác dân vận thực hiện NTM. Đơn cử như câu chuyện cải tạo mở rộng đường Giồng Tháp ở ấp 7, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông. Trước đây, con đường này chỉ là đường đất nhỏ hẹp, cây cối rậm rạp. Khi huyện có chủ trương mở rộng con đường này, có một doanh nhân làm ăn thành đạt ngỏ ý tài trợ kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng để thực hiện dự án. Nhưng vấn đề khó nhất để triển khai ý tưởng này là làm sao thuyết phục được người dân hiến đất mở đường. Thật đáng mừng là khi cán bộ xã xuống hộ dân vận động thì bà con ở khu vực này đồng tình ngay. Nhiều hộ dân tham gia chặt tre, hiến đất để nhà thầu thi công. Bây giờ, đường Giồng Tháp đã “lột xác” trở thành một con đường thoáng đãng, khang trang dài 800 m, đổ bê-tông  rộng 3 m, lề mỗi bên 0,5 m. Công trình này được xem là tiêu biểu cho sự đồng thuận của “ý Đảng, lòng dân” khi thực hiện xây dựng hệ thống giao thông nông thôn ở huyện Gò Công Đông.

Về lâu dài, để hệ thống giao thông nông thôn khu vực ĐBSCL phát triển đồng bộ, công tác quy hoạch giao thông ở khu vực này cũng rất cần được xem trọng. Quy hoạch giao thông phải phù hợp  các quy hoạch chuyên ngành khác, đặc biệt là quy hoạch thoát lũ. Về kinh phí đầu tư cho giao thông nông thôn cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau. Cần kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, bao gồm cả chính sách tín dụng cho doanh nghiệp để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, những địa bàn đang khó khăn về điều kiện tự nhiên, xã hội… Cân đối các nguồn lực hợp lý, có chính sách thỏa đáng để động viên, khơi dậy phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn tại các địa phương là một trong những bài học kinh nghiệm thành công của giai đoạn vừa qua và hứa hẹn sẽ tiếp tục là động lực chính để mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông nông thôn sớm về đích.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24-9.