Tiếng nói từ cơ sở

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản

Huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều câu chuyện thú vị về những già làng, trưởng bản... Tại xã Hương Nguyên có thôn Mu Nú - Tà Rá, với 80 hộ dân thì có đến một nửa số hộ thiếu đất sản xuất, bà con phải đi làm thuê, làm mướn.

Tuy nhiên, già làng Nguyễn Văn Việt đã nhìn ra lợi thế của thôn trong phát triển chăn nuôi theo mô hình mới. Già làng cùng cán bộ thôn tham mưu với lãnh đạo xã nghiên cứu, ra nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi. Hội Nông dân xã đã cho hội viên vay vốn tín chấp và phối hợp tập huấn quy trình sản xuất cho các hộ dân. Ðến nay, mô hình chăn nuôi của thôn phát triển mạnh. Ðược biết, cũng chính các già làng trong xã đã giám sát quá trình dồn điền, đổi thửa hiệu quả.

Lãnh đạo huyện A Lưới nhìn nhận, vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín trong huyện không chỉ góp phần tạo chuyển biến trong đời sống cộng đồng mà còn tích cực giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện nói đi đôi với làm.

Tại Thanh Hóa, thống kê mới đây cho thấy tỉnh có hơn 1.600 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Lương Văn Tưởng cho biết, bằng uy tín của mình, các già làng, trưởng bản đã trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối đưa chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Cùng Thanh Hóa, thực tế nhiều địa phương cho thấy các già làng, trưởng bản luôn gần dân, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó đã đề xuất, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, động viên họ vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương làng, bản. Ðồng thời, với vốn hiểu biết phong phú, nhất là về phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình, họ có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quê hương.

Thiết nghĩ, từ yêu cầu tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc, địa bàn khó khăn, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Ðây là lực lượng quan trọng và nòng cốt trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tình hình hiện nay, họ cần được thường xuyên phổ biến, cập nhật các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Họ cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm ở những địa bàn, vùng cùng đặc thù.

Mặt khác, bên cạnh sự quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, từng địa phương cần có hình thức ghi nhận, tôn vinh theo định kỳ nhằm tăng cường, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng.