Phát hiện sớm, xử lý ngay các ổ dịch cúm gia cầm

* Hơn 29.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn

Ngày 13-2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc.

Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi-rút cúm A/H5N6 buộc phải tiêu hủy hơn 43 nghìn con gia cầm. Ngoài ra, ba ổ dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc ở các tỉnh Tiền Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, chưa qua 21 ngày... Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hiện mật độ chăn nuôi gia cầm đang ở mức cao nhất từ trước tới nay; thời tiết ngày càng cực đoan, bất lợi, cộng với việc vận chuyển hàng hóa tăng cao, tập quán buôn bán, giết mổ ở nhiều vùng theo truyền thống sẽ gây khó khăn cho việc ứng phó dịch bệnh. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý phát hiện sớm và xử lý ngay các ổ dịch cúm gia cầm; trong đó, chú ý các hộ sản xuất nhỏ, không để ảnh hưởng đến những nơi sản xuất an toàn.

* UBND tỉnh Thái Nguyên vừa chỉ đạo sở, ngành chức năng và các địa phương thực hiện giải pháp phòng, chống dịch để bảo vệ 14,5 triệu con gia cầm trên địa bàn. Theo đó, cần kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện để bao vây và dập dịch ngay từ đầu, không để lây lan; chuẩn bị vắc-xin, hóa chất khử trùng, tiêu độc khi dịch bệnh xảy ra. Nhằm phòng, chống dịch cúm gia cầm, cơ quan thú y tỉnh Tuyên Quang đề nghị các địa phương phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi; áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn. Tại các địa phương từng xuất hiện ổ dịch cần thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng vắc-xin chống cúm cho toàn bộ đàn gia cầm.

* Tổng đàn gia súc, gia cầm của TP Hà Nội hiện có gần 34 triệu con. Đến nay, thành phố đã tiêu hủy hơn 6.800 con gia cầm do bị nhiễm cúm A/H5N6. Để phòng, chống dịch, bệnh, thành phố phấn đấu tiêm vắc-xin cho 80% tổng đàn; tăng cường quản lý chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

* Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra ở TP Bắc Ninh và huyện Quế Võ. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn 8.500 con gia cầm nhiễm bệnh, đồng thời khử trùng tiêu độc khu vực chung quanh nơi có dịch; chỉ đạo tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm trên địa bàn.

* Để chủ động phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi, tỉnh Khánh Hòa đã gấp rút triển khai tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Dự kiến từ nay đến hết ngày 8-3, sẽ phun 6.350 lít hóa chất tại các khu vực chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm ở 127 xã, phường. Trước đó, vào tháng 1, trên địa bàn đã xuất hiện bệnh cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gà ở huyện Cam Lâm.

* Theo Cục Thú y, hiện nay Cục đang hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn lợn theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và an toàn sinh học; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, trang trại, gia trại có điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt lợn ra thị trường.

* Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bệnh lở mồm long móng khiến hơn 2.400 con gia súc bị chết. Trước tình hình này, các ngành chức năng tổ chức phun hóa chất khử trùng, tiêu độc với số lượng 7.000 lít hóa chất nhằm khống chế dịch.

* Hiện nay, hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sạch cho các hộ dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 29.000 ha lúa mùa 2019 và lúa đông xuân 2019 - 2020. Dự kiến, thời gian tới sẽ có khoảng 332.000 ha lúa, 136.000 ha cây ăn quả sẽ bị ảnh hưởng nếu hạn, mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tại khu vực này cũng có hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn, mặn. Các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

* Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong tuần tới trên các sông ở Nam Bộ độ mặn cao nhất sẽ xuất hiện vào đầu tuần ở mức lớn hơn cùng kỳ mùa khô 2016 và trung bình nhiều năm sau đó giảm nhanh. Theo đó, mặn xâm nhập sâu nhất khoảng 65 đến 75 km trên sông Hàm Luông, trên sông Vàm Cỏ khoảng 80 đến 90 km, các sông khác từ 45 đến 60 km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu ở cấp độ 2.

* Theo UBND tỉnh Long An, vụ đông xuân 2019-2020, nhân dân trong tỉnh gieo sạ hơn 226.000 ha. Với tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp như hiện nay, ước tính có hơn 15.000 ha lúa và hơn 11.000 ha rau màu, cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng, thiếu nước sản xuất. Ngoài ra, hiện có gần 8.000 hộ dân ở huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sinh hoạt.

* Do xâm nhập mặn đến sớm, độ mặn cao và kéo dài khiến hơn 1.500 ha lúa tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) bị ảnh hưởng. Hiện nay, độ mặn ở các cống tại địa bàn đạt trên sáu phần nghìn cho nên những trà lúa đã xuống giống khó phục hồi. Ngành nông nghiệp huyện đang theo dõi độ mặn để thông báo cho người dân và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp.

* Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) thời gian qua hầu như không có mưa, do đó nhiều nơi xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng với diện tích hơn 1.150 ha. Tại huyện Cát Tiên, hạn hán cũng đang diễn biến phức tạp, khoảng 350 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới.

Miền bắc sắp có đợt không khí lạnh mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, khoảng chiều 15-2, sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc sau đó là khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phía tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều 15-2 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 16-2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét; riêng phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ ngày 16 đến 18-2 trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại.