Ðối thoại về chia sẻ nguồn nước sông Nin

Cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc liên quan đập thủy điện Ðại phục hưng giữa ba nước Xu-đăng, Ai Cập và Ê-ti-ô-pi-a đã được nối lại. Hội đồng Bảo an (HÐBA) Liên hợp quốc kêu gọi các bên ưu tiên đối thoại trên tinh thần hợp tác, thiện chí để sớm tìm ra giải pháp thỏa đáng, tránh các tuyên bố hoặc hành động làm căng thẳng và nguy cơ xung đột leo thang.

Ê-ti-ô-pi-a đang xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng.
Ê-ti-ô-pi-a đang xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng.

Là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, đập Ðại phục hưng được khởi công xây dựng từ năm 2011 tại Ê-ti-ô-pi-a trên dòng Nin Xanh. Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện này là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập. Cai-rô lo ngại công trình đe dọa nguồn nước sông Nin, vốn cung cấp cho hơn 90% dân số Ai Cập. Tuy nhiên, phía Ê-ti-ô-pi-a phủ nhận con đập sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nin của Ai Cập, đồng thời khẳng định dự án mà họ đang theo đuổi rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Với tổng mức đầu tư lên tới 4,8 tỷ USD, đập thủy điện Ðại phục hưng dự kiến sẽ sản xuất hơn 6.000 MW điện, đưa quốc gia Ðông Phi tiến tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu điện năng lớn nhất châu lục.

Từ năm 2012, Ê-ti-ô-pi-a và hai nước ở hạ nguồn là Xu-đăng và Ai Cập đã nỗ lực trao đổi các vấn đề kỹ thuật, pháp lý liên quan dự án do lo ngại về tác động đối với các quốc gia ở hạ nguồn, tuy nhiên các bên chưa đi đến thống nhất. Tháng 3-2015, ba nước nhất trí thông qua DoPs 2015 - Tuyên bố về các nguyên tắc đối với việc xây dựng đập Ðại phục hưng Ê-ti-ô-pi-a (GERD), song việc cụ thể hóa DoPs 2015 còn nhiều vướng mắc. Các cuộc thảo luận giữa ba nước trong tháng 6 vừa qua đã không thể đem lại kết quả mong đợi.

Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện Ðại phục hưng là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa Ai Cập và Ê-ti-ô-pi-a. Căng thẳng gia tăng sau khi Ê-ti-ô-pi-a tuyên bố sẽ bắt đầu tích nước cho con đập, bất chấp việc có đạt thỏa thuận với các bên liên quan hay không, buộc Ai Cập phải đệ đơn khiếu nại lên HÐBA kêu gọi sự giúp đỡ. Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi khẳng định lập trường của nước này trong việc giải quyết bất đồng với Ê-ti-ô-pi-a về vấn đề xây dựng và vận hành đập thủy điện Ðại phục hưng.

Ông nhấn mạnh tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao trong giải quyết bất đồng, nhất là thông qua việc tăng cường tham vấn với Xu-đăng và các nước thành viên HÐBA. Quan điểm nhất quán của Cai-rô là vấn đề đập thủy điện Ðại phục hưng nên được giải quyết thông qua một thỏa thuận toàn diện giữa các bên liên quan, thay vì bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây ảnh hưởng tới quyền của Ai Cập trong việc sử dụng nguồn nước sông Nin. Trong phản ứng mới nhất, chính quyền A-đi A-bê-ba cũng đệ trình Công thư dài 78 trang lên HÐBA để đáp lại đơn khiếu nại của Cai-rô.

Cuộc đàm phán ba bên giữa Ai Cập, Xu-đăng và Ê-ti-ô-pi-a được tổ chức với sự trung gian của Liên minh châu Phi (AU). Tuy nhiên, Ai Cập đã rút khỏi vòng đàm phán ba bên mới nhất và từ chối đề xuất của Ê-ti-ô-pi-a vì trong đề xuất có nội dung mà Cai-rô cho là vi phạm các hướng dẫn của Văn phòng AU. Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Trong phiên họp trực tuyến gần đây, HÐBA thảo luận tình hình về GERD với chủ đề "Hòa bình và an ninh ở châu Phi". Trong bối cảnh có những lo ngại về xu hướng nhiều dòng chảy quốc tế đang bị khai thác thiếu bền vững, không bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước có lợi ích liên quan, các nước thành viên HÐBA ủng hộ nỗ lực đàm phán, hợp tác của các bên trực tiếp liên quan trong việc khai thác sử dụng sông Nin, kêu gọi các nước tiếp tục nỗ lực và phát huy các kết quả đã đạt được, nhất là trong thực hiện DoPs 2015, đóng góp vào sự phát triển của khu vực.

Khẳng định chia sẻ việc sử dụng nguồn nước quốc tế cần phù hợp luật pháp và cam kết của các nước liên quan trên cơ sở hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, nhất là các nước hạ nguồn, bảo đảm sự phát triển bền vững cho toàn lưu vực, HÐBA ủng hộ một giải pháp thông qua các biện pháp hòa bình, trên tinh thần hữu nghị và thiện chí, tránh làm gia tăng căng thẳng liên quan dự án đập thủy điện trên dòng sông Nin của châu Phi.

Hà Anh