Nông dân chuyên nghiệp

Tại Ðồng Tháp, việc triển khai thí điểm phong trào "Người nông dân chuyên nghiệp" bước đầu mang lại những lợi ích thiết thực.

Ðó là hiệu quả áp dụng trong canh tác một số loại cây trồng chủ lực như: rau, màu an toàn ở huyện Lấp Vò; xoài tại huyện Cao Lãnh; nhãn ở huyện Châu Thành; quýt ở huyện Lai Vung và lúa tại huyện Tháp Mười. Phong trào "Người nông dân chuyên nghiệp" ra đời nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của người dân trong sản xuất và đời sống tại cộng đồng; định hướng liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đủ điều kiện tham gia trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ðồng thời góp phần thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh Ðồng Tháp năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, người nông dân sản xuất hàng hóa nông sản phải tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; bảo đảm hài hòa trong quan hệ hỗ trợ cùng cộng đồng; tham gia các chương trình liên kết trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn: VietGAP, GlobalGAP, ISO…

Khi tham gia phong trào, người nông dân chuyên nghiệp được ưu tiên tham gia sinh hoạt, đề xuất, kiến nghị về chuyển giao khoa học kỹ thuật với ngành nghề, lĩnh vực đang thực hiện; được tham quan, học tập các mô hình hay, cách làm mới; được ưu tiên hướng dẫn, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án, đề án triển khai tại địa phương; được hướng dẫn tiếp cận và cung cấp thông tin liên quan đến thị trường, định hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Ðây là những lợi ích hết sức thiết thực bởi lẽ hầu hết người dân hiện còn thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu vốn, vật tư, cây và con giống tốt, thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết và chia sẻ... cho nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Chính vì vậy, phong trào này cần được nhân rộng ra nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác nhau; đồng thời có thể mở rộng tại các địa phương khác. Trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học - công nghệ phát triển mạnh và việc tiêu thụ nông sản được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thì việc nông dân chủ động nắm rõ nhu cầu thị trường cũng như tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện quan trọng nhất tạo ra hiệu quả sản xuất nông nghiệp.