Niềm tin của những "siêu tàu"

NDO -

NDĐT - Nhận nhiệm vụ đưa đón những chuyến tàu từ phao số 0 vào/ra các cảng biển trên tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải, những năm qua, các cán bộ hoa tiêu của Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (Vungtauship) đã không ngừng vươn lên khẳng định uy tín, bản lĩnh và trình độ của hoa tiêu hàng hải Việt Nam, trở thành niềm tin của những “siêu tàu” mỗi khi ra/vào cảng.

Thuyền trưởng “siêu tàu” Margrethe Maersk cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đội ngũ hoa tiêu hàng hải của Vungtauship, đã dẫn tàu cập cảng an toàn.
Thuyền trưởng “siêu tàu” Margrethe Maersk cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đội ngũ hoa tiêu hàng hải của Vungtauship, đã dẫn tàu cập cảng an toàn.

Luồng Vũng Tàu - Thị Vải có tổng chiều dài gần 50 km, nằm trên hệ thống sông Thị Vải bao gồm: Thị Vải, Gò Gia và Cái Mép, có độ sâu trung bình từ -15 đến -20 m, có nơi sâu tới -60 m (ngã ba Thị Vải - Gò Gia - Cái Mép); chiều rộng trung bình từ 500 - 600 m, riêng sông Cái Mép có nơi rộng tới 1.000 m. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống cảng nước sâu, đón những tàu mẹ có trọng tải lớn của các hãng tàu trên thế giới.

Thực tế, nơi đây đã hình thành hệ thống cảng nước sâu hiện đại, tầm cỡ khu vực và thế giới, với hơn 20 dự án cảng đi vào hoạt động, tổng công suất thông qua gần 70 triệu tấn hàng hóa/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những tuyến luồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn hàng hải, bởi mật độ tàu, thuyền ra vào lớn, bên cạnh hoạt động hàng hải, vận tải biển, hoạt động khai thác dầu khí, khai thác thủy, hải sản cũng diễn ra với cường độ cao.

Hoa tiêu ngoại hạng Nguyễn Khắc Du, Giám đốc Vungtauship, chia sẻ: Luồng Vũng Tàu - Thị Vải có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống hàng hải nước ta. Tuy nhiên, với chế độ “bán nhật triều” của vùng biển Vũng Tàu cộng với nhiều khúc quanh, tuyến luồng luôn là sự thử thách tính nhẫn nại và kiên trì của rất nhiều thuyền trưởng. Thực tế, nhiều năm trước, tình trạng tai nạn tàu thuyền trên tuyến luồng vẫn xảy ra, trong đó, có cả nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của chính hoa tiêu dẫn tàu. Để khắc phục những hạn chế về chuyên môn của đội ngũ hoa tiêu, hằng năm, Vungtauship đều tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, cập nhật kiến thức mới, thực tập trên mô phỏng dẫn tàu container trọng tải lớn; cử nhiều hoa tiêu trẻ tham gia các khóa đào tạo dài hạn ở nước ngoài; thường xuyên tổ chức các khóa học tiếng Anh hàng hải cho cán bộ… nên chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ hoa tiêu không ngừng được nâng lên, được các hãng tàu lớn trên thế giới đánh giá cao.

Hoa tiêu Vũng Tàu đã chứng minh năng lực của mình khi đón trả an toàn mỗi năm hàng nghìn lượt tàu, trong đó có cả những “siêu tàu” có sức chở từ 14 đến 18 nghìn container, có chiều dài hơn 300 m. Đó là “siêu tàu” Margrethe Maersk của hãng tàu Maersk Line có sức chở lên đến 18.300 TEU cập cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) hay “siêu tàu” CMA CGM Marco Polo có trọng tải 187.000 tấn (sức chở gần 17.000 TEU)... Việc đón trả thành công những tàu mẹ đi thẳng qua bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, đi châu Âu đã khẳng định uy tín của ngành hàng hải Việt Nam nói chung và đội ngũ hoa tiêu Vũng Tàu nói riêng, trong bối cảnh nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.

Niềm tin của những "siêu tàu" ảnh 1

Tàu Margrethe Maersk cập cảng an toàn trong niềm vui của những người làm công tác bảo đảm an toàn hàng hải, trong đó có đội ngũ hoa tiêu của Vungtauship.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, năm 2012, sau khi tổ chức Ðại hội cổ đông lần thứ nhất, công ty chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm hơn 79%. Giám đốc Công ty Nguyễn Khắc Du cho biết: Hoạt động theo mô hình công ty cổ phần nhưng nhiệm vụ chính vẫn là cung cấp dịch vụ hoa tiêu, bảo đảm an ninh - an toàn hàng hải trên tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải và các tuyến luồng được giao phó. Nhiệm vụ nặng nề của công ty là làm sao vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hoa tiêu vừa bảo toàn và phát triển giá trị phần vốn của Nhà nước. Theo đó, Vungtauship đã chủ động sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiết giảm triệt để các chi phí trung gian, không cần thiết, nhưng vẫn đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Đặc biệt, gần năm năm trở lại đây, Vungtauship đã có sự bứt phá mạnh mẽ cả về khối lượng công việc lẫn hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nếu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ dừng ở con số khiêm tốn hơn 12 tỷ đồng, thì năm 2019 đã là gần 129 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động cũng tăng trung bình từ 13,7 triệu đồng năm 2015 lên 40,7 triệu đồng năm 2019, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Nói về thành công của công ty, ông Nguyễn Khắc Du chia sẻ: Dịch vụ cung cấp hoa tiêu vốn là dịch vụ công ích cho nên Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối. Muốn công ty phát triển bền vững, doanh nghiệp phải sử dụng lợi nhuận tái đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với các cổ đông tư nhân, việc hiện thực hóa lợi nhuận luôn là yêu cầu bức thiết. Do đó, vừa để bảo toàn và phát triển phần giá trị vốn góp của Nhà nước, vừa bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư là việc làm khó khăn, đòi hỏi lãnh đạo công ty phải phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Đội ngũ hơn 40 hoa tiêu, trong đó có gần 20 ngoại hạng của Vungtauship chính là lực lượng nòng cốt giúp Vungtauship vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp mạnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Được biết, trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19 vừa qua, lượng tàu, thuyền ra vào các cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải vẫn không giảm. Đội ngũ hoa tiêu Vungtauship vẫn hằng ngày, hằng giờ bám trụ với công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu ra vào cảng, trở thành niềm tin của các hãng tàu, của đội ngũ thuyền viên và của cả ngành hàng hải Việt Nam.