Những đóa hoa miền Tây Bắc

Bao tháng ngày qua trên miền cao Tây Bắc, có những người phụ nữ nhỏ bé vẫn âm thầm cống hiến, như con ong dâng mật ngọt cho đời. Nhờ những đóng góp, hỗ trợ của họ, hàng trăm phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới đã tự tin vươn lên làm chủ cuộc sống; hàng nghìn trẻ em được vui bước đến trường chắp cánh những ước mơ bay cao và bay xa…

Chị Giàng Thị Mảy (ngồi giữa) cùng các thành viên tổ thêu thực hiện mẫu thêu mới.
Chị Giàng Thị Mảy (ngồi giữa) cùng các thành viên tổ thêu thực hiện mẫu thêu mới.

Người phụ nữ vượt qua định kiến

Là người Điện Biên hay người nơi khác, nếu có dịp đi qua một nhà xưởng rộng chừng 200 m2 nằm bên đường trung tâm bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên thì hẳn đều muốn dừng bước. Bởi ngay cửa chính của nhà xưởng có một tủ kính trưng bày khá nhiều mẫu thổ cẩm thêu tay với mầu sắc sặc sỡ và dòng chữ : “Tổ thêu truyền thống xã Sính Phình”.

Tổ trưởng tổ thêu là chị Giàng Thị Mảy, một người phụ nữ Mông rất đặc biệt ở nơi núi cao sương mù. Điều “đặc biệt” ấy hiển hiện rõ ở con người chị khiến ai gặp, trò chuyện một lần sẽ nhớ mãi. Giọng lơ lớ, chị giao tiếp bằng tiếng phổ thông tốt; dùng tiền Việt Nam song chị Mảy luôn rõ mệnh giá đồng USD theo ngày và chị không ngần ngại đi bất cứ đâu miễn là có thể giới thiệu sản phẩm và ký hợp đồng tiêu thụ đồ thổ cẩm. Với tôi, mỗi lần gặp chị đều như một lần tìm hiểu mới về con người ấy.

Và tôi nhớ lần đầu gặp chị năm 2015, khi những cơn gió đầu đông tràn về thì chị vẫn chân trần thoăn thoắt trên con đường mòn gập ghềnh đá dẫn vào bản Tà Là Cáo ở phía sau xưởng thêu. Vừa đi, chị Mảy vừa say sưa kể về hoạt động của tổ thêu mà như không hay biết cái lạnh đang thấm dần buốt đến xương. Chị Mảy kể, năm 2003, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chị đứng ra vận động 20 chị em thành lập tổ thêu các trang phục truyền thống của dân tộc Mông nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, dự án không còn nguồn hỗ trợ nên tổ thêu đối diện nguy cơ giải thể. “Những khi ngồi một mình nhìn hàng thêu chất đống ở góc nhà, chị lại khóc. Mỗi một tấm thêu là bao nhiêu đường kim bao nhiêu lần nối chỉ; công sức, tấm lòng của bao nhiêu chị em gửi vào đó chẳng nhẽ lại tan tành thế này sao? Chị nói với chồng và con xin được tiêu số tiền còn lại của nhà mình để đi tìm đường cứu tổ thêu”.

Gom tiền tiết kiệm trong ống tre, tiền bán hai con lợn được gần năm triệu đồng, chị Mảy đi gõ cửa các Hội Phụ nữ từ tỉnh đến huyện nhờ trợ giúp và chị còn đi Hà Giang, Lào Cai tìm kiếm, học hỏi mẫu thêu mới. Đi đến đâu chị cũng được chỉ bảo, hướng dẫn tận tình song khi nghe về ý tưởng của chị với tổ thêu thì mọi người đều lắc đầu cảm thông. Tới khi tưởng chừng bế tắc nhất thì chị Mảy nhận tin có một tổ chức nước ngoài ở Hà Nội sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khiến chị mừng như người chết đuối vớ được cọc. Chị Mảy kể: “Đó là một ngày cuối năm 2005, nghe cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thông báo, có tổ chức Craft Link ở Hà Nội đồng ý hỗ trợ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm tồn của tổ thêu rồi sau đó tùy theo lượng khách hàng, tổ chức Craft Link sẽ ký hợp đồng tiêu thụ thường xuyên với tổ thêu, tôi mừng quá. Mừng không nói được câu gì, cũng không biết cảm ơn chị cán bộ Hội”.

Có tổ chức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, có chị tổ trưởng “đắm” mình vì sự sống còn của tổ thêu, đến nay Tổ thêu truyền thống xã Sính Phình đã hoạt động thật sự hiệu quả với hơn 80 thành viên làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hoạt động của tổ thêu còn góp phần quan trọng thay đổi định kiến về vai trò của người phụ nữ Mông trong xã hội hiện đại. Và người góp phần làm thay đổi định kiến ấy không ai khác chính là chị - người đàn bà đã từng kiên quyết với chồng rằng “đàn bà Mông không chỉ làm nương mà còn biết làm thêu kiếm tiền như bao người đàn bà thuộc dân tộc khác”. Chị nói và làm như thế để bây giờ ở Tủa Chùa có thêm nhiều tổ hợp tác mà thành viên chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông.

“Cô đỡ” Chứ của bản Phiêng Cải

Không giỏi tính toán như chị Giàng Thị Mảy, song Giàng Thị Chứ được người dân các bản: Phiêng Cải, Phiêng Hoa, Khua Trá... xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) tin tưởng, yêu mến. Bà con bản Phiêng Cải còn gọi Chứ bằng cái tên rất riêng: “Cô đỡ Chứ của bản Phiêng Cải”.

Gặp Chứ trong căn nhà gỗ lợp prô-xi-măng phủ đầy rêu ở bản Phiêng Cải, tôi cứ ngờ ngợ bởi Chứ là cô gái nhỏ nhắn, chất phác vừa tròn tuổi 28. Nếu không có thông tin trước thì chẳng thể tin Chứ làm cô đỡ thôn bản mát tay đã gần sáu năm rồi.

Phiêng Cải nơi Chứ sống có 100% số dân là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; hủ tục là một trong những rào cản đè nặng tâm lý, suy nghĩ của người dân. Vất vả hơn cả là những người phụ nữ, họ phải làm việc nhà, làm nương từ sáng sớm đến tối mịt; khi bầu bí, sinh nở chẳng được thăm khám, dưỡng sức. Hầu hết phụ nữ Mông bản Phiêng Cải đều sinh đẻ tại nhà cho nên nhiều ca bị tai biến sản khoa như chảy máu nhiều, uốn ván rốn...

Nhiều lần chứng kiến cảnh dân bản “tiễn mẹ vào rừng” còn con thơ khóc ngặt đòi sữa, Chứ như thấy trái tim mình tan vỡ. Thế rồi đến năm 2014, khi xã có chỉ tiêu đào tạo cô đỡ thôn bản, Chứ đã đăng ký đi học chỉ với mong muốn làm được gì đó chăm sóc sức khỏe cho người dân, giúp họ từng bước thay đổi hủ tục, kiêng kỵ trong sinh đẻ để người phụ nữ bớt thiệt thòi...

Năm tháng qua đi, mới ngày nào còn ngại ngùng khi đến từng nhà tuyên truyền, vận động chị em thăm khám thai định kỳ, hướng dẫn các bà, các chị cách chăm sóc thân thể, giờ đây Chứ đã thành thạo với công việc của cô đỡ. Mỗi tuần một ngày, Chứ dành thời gian đến các gia đình có phụ nữ mang thai để tư vấn cách chăm sóc mẹ và thai nhi; tuyên truyền, vận động họ đi khám thai định kỳ, đến trạm y tế xã sinh con để được chăm sóc tốt nhất. Cứ như thế, mỗi năm bản Phiêng Cải, Phiêng Hoa có hàng chục trẻ chào đời trên bàn tay của cô đỡ Chứ. Ở trạm y tế xã có nhiều ca sinh khó đều nhờ Chứ ra hỗ trợ bởi Chứ biết tiếng, hiểu tâm lý, động viên hỗ trợ rất nhiều cho sản phụ. Người nhà sản phụ cũng yên tâm hơn.

Nói về lần đầu đỡ đẻ cho người cùng bản, Chứ tâm sự: “Em lo lắng lắm, chỉ đến khi mẹ tròn con vuông em mới nhẹ lòng”. Hôm đó, khoảng 2 giờ 30 phút sáng một ngày đầu tháng 7-2014, đúng lúc trời mưa rất to, thì anh Sùng A Tủa gọi cửa nhờ đến nhà đỡ đẻ cho vợ. Trong đêm mưa tối đen như mực, em bị ngã không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn phải cố giữ chặt để đồ nghề không bị bẩn, không bị ướt. Thật may là em đến kịp thời để hỗ trợ cho vợ anh Tủa được “mẹ tròn con vuông”. “Lúc đón cháu bé từ tay em, anh Tủa khóc òa như đứa trẻ. Trong khi vợ anh Tủa cũng nước mắt giàn giụa...” - Giàng Thị Chứ nhớ lại.

Hỏi về số ca Chứ đã thăm khám, đỡ đẻ, Chứ chỉ cười hiền và nói “Em không nhớ”. Chúng tôi phải ra Trạm y tế xã Phình Sáng thì mới có được con số: hơn 5 năm qua, Chứ đã khám, tư vấn, hỗ trợ hơn 100 phụ nữ mang thai ở các bản: Phiêng Cải, Phiêng Hoa, Khua Trá, Nậm Din. Nhờ có sự hỗ trợ của Chứ, các bản này không còn tình trạng biến chứng sản khoa, phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây đã biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và con cái ngày càng tốt hơn...

Bỏ phố, đem con chữ về rừng

Đó là chuyện nghề gắn với chuyện đời của cô Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Nà Hỳ số 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên). Kể từ ngày cô Thùy nộp đơn xin chuyển vùng từ thị xã Lai Châu (cũ) vào xã Nà Hỳ công tác đến nay đã 22 năm có lẻ, vậy nhưng chuyện của cô Thùy vẫn như mới ngày hôm qua. Bởi 22 năm trước và cả bây giờ, bà con dân tộc Mông, dân tộc Thái ở Nà Hỳ vẫn nói: “Cô Thùy là phụ nữ đầu tiên bỏ phố đem con chữ về rừng ở vùng biên Nà Hỳ. Nhờ cô Thùy, con cháu, anh em chúng tôi biết cái chữ, sáng tỏ nhiều điều”...

Nhớ lại những ngày lầm lũi đi bộ suốt một tuần trời, băng qua hơn 100 km đường rừng mới vào đến Nà Hỳ, trong đó phần lớn quãng đường còn địu cô con gái 4 tuổi, cô Thùy thoáng chút ưu tư: “Vất vả nhất là quãng đường hơn 30 km từ Km 45 đến trung tâm Nà Hỳ bây giờ, vì ngày đó chỉ độc một lối mòn xuyên rừng men theo suối. Có bao nhiêu tiền đem theo, mình đành thuê một người Mông dắt ngựa thồ chở con bé, còn mình cố bám lấy đuôi ngựa mà theo. Vào đến Nà Hỳ thì hai chân mình sưng húp, máu chảy ròng từ gối xuống bàn chân”.

Khi những vết thương trên cơ thể lành dần cũng là lúc cô Thùy bắt đầu công việc mới ở nơi “phên giậu” của Tổ quốc. Ngày đó, trường lớp lợp bằng gianh, vách thưng ván mà bốn bề trống hoác. Học sinh thì nhiều độ tuổi trong cùng một lớp. Như lớp cô Thùy chủ nhiệm ngày đó có em tròn sáu tuổi, có em 12 tuổi và có trường hợp cả bố và con là... bạn học chung bàn. Hơn một năm địu con đứng lớp, không ngày nào lưng áo cô Thùy không ướt sũng vì con “tè dầm”, vậy mà cô vẫn say sưa với bài giảng và những nét chữ i tờ của trò nghèo vùng cao. Cứ như thế, thời gian thấm thoắt trôi theo những mùa gieo hạt ở nơi này và cô giáo Thùy ngày xưa giờ đã là con của nhân dân chín bản mười mường trên vùng biên viễn mênh mông. Người già, trẻ nhỏ, cán bộ Huyện đoàn và nhiều cán bộ xã mỗi lần nhắc về cô giáo Thùy đều hết sức trân trọng, mến yêu. Với họ, cô Thùy không chỉ là người dạy chữ, truyền tri thức, mà hơn cả cô là tấm gương “mình vì mọi người” để dân bản học tập làm theo.

22 năm gắn bó với mảnh đất nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc, cô Thùy đã góp công “vun trồng” cho bao thế hệ con em vùng đất đầy gian khó. Từ chỗ cả vùng không ai biết đến lễ khai giảng, chất lượng học tập còn hạn chế thì hôm nay ngành giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng Trường PTDTBT tiểu học Nà Hỳ số 2 đã được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng công tác giáo dục ngày càng được quan tâm đúng mức. Trường có 56 cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy ở 10 điểm bản, trong đó có một điểm trường trung tâm. Toàn trường có 531 học sinh theo học đúng độ tuổi, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Tạm biệt cô giáo Thùy, tạm biệt các em học sinh vùng cao, chúng tôi trở về thành phố khi bóng chiều ập tới. Miên man trong suy nghĩ về những tháng ngày gian khó mà cô giáo Thùy, cô đỡ Chứ và chị Giàng Thị Mảy đã trải qua, bất giác tôi chợt nhớ hình ảnh “cây cúc đắng quên đời mình đang đắng” và tự ngẫm đâu cần phải so sánh với loài hoa nào, bởi cuộc đời các chị đã là những đóa hoa...!