Những điều cần làm rõ tại dự án lấn biển xây thủy cung ở Vũng Tàu

NDO -

NDĐT - Những ngày qua, dư luận tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tỏ ra bất bình trước việc Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu tập kết nhiều máy móc cơ giới, rầm rộ đổ đất đá, san lấp hàng chục nghìn mét vuông bờ biển tại khu vực Bãi Trước, TP Vũng Tàu. Để rộng đường dư luận, chiều 10-10, tại Hội nghị giao ban báo chí quý III-2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động mời lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến để thông tin thêm về dự án này. Tuy nhiên, các ý kiến của các sở, ngành lại cho thấy rất nhiều những khuất tất, bất cập trong việc điều chỉnh quy hoạch, cấp phép cho dự án này.

Những điều cần làm rõ tại dự án lấn biển xây thủy cung ở Vũng Tàu

Nhiều “ưu ái” cho một dự án treo

Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu, TP Vũng Tàu, tại số 1A đường Trần Phú, phường 1, TP Vũng Tàu, nằm trong tổng thể dự án Khu du lịch núi Lớn- Núi Nhỏ được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch từ năm 1998, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu. Dự án có thể được xem là “treo” từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến tháng 6-2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thay thế quyết định từ năm 1998. Tháng 1-2019, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và tháng 8-2019, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng.

Để bảo vệ cho tính “hợp pháp”, “hợp lý” của dự án lấn biển gây rất nhiều bức xúc trong dư luận, đại diện chính quyền địa phương cho biết, trước khi điều chỉnh quy hoạch, cấp phép cho dự án, các sở, ngành chức năng đã “tiến hành rà soát kỹ”, “tính toán chi tiết”, “phân tích toàn diện”, tuy nhiên, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Hội nghị giao ban báo chí chiều 10-10, cũng chính các sở, ngành này lại thừa nhận nếu chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án thì hậu quả là địa phương và người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải gánh chịu.

Trước hết, về thủ tục đầu tư, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Do dự án được quy hoạch từ năm 1998, khi chưa có Luật Đầu tư, nên chủ đầu tư không phải ký quỹ và tự chịu trách nhiệm về năng lực của mình. Trả lời câu hỏi, dự án có làm ảnh hưởng, xâm phạm tới Di tích quốc gia Bạch Dinh hay không, các phóng viên cũng nhận được câu trả lời quen thuộc, dự án được quy hoạch trước khi Luật Di sản văn hóa ra đời. Trả lời câu hỏi, nếu chủ đầu tư không có khả năng tài chính, chỉ san lấp mặt bằng để mở quán nhậu, nhà hàng thì xử lý thế nào, đại diện lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cho biết, vì “tương lai của thành phố”, hy vọng chủ đầu tư sẽ cố gắng thực hiện đúng cam kết để Vũng Tàu có thêm một sản phẩm du lịch.

Bức xúc trước những “ưu ái” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dành cho dự án này, nhiều doanh nghiệp bày tỏ: “Làm như vậy là rất thiếu công bằng với các doanh nghiệp khác bởi thủ tục ký quỹ, chứng minh năng lực tài chính là yêu cầu bắt buộc đối với nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, xin dự án để bán hưởng chênh lệch, hay chỉ làm nửa vời, nhếch nhác và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không nằm ngoài ngoại lệ ấy”. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng: “Dự án thủy cung Hòn Ngưu nằm ở vị trí rất đặc biệt, ngay mặt tiền Bãi Trước của TP Vũng Tàu, lại lấn biển hàng trăm mét, cần phải được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng và mời gọi các nhà đầu tư có năng lực vào thực hiện. Việc để một doanh nghiệp có nhiều lần xây dựng trái phép, vi phạm các quy định về đất đai như Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu chẳng khác nào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cố tình đẩy phần chuôi dao cho phía doanh nghiệp và tự nắm về mình phần lưỡi”.

Hợp thức hóa các sai phạm?

Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu có tổng diện tích khoảng 6,9 ha và hoàn toàn lấn biển để xây dựng khu thủy cung và khối khách sạn 22 tầng. Chưa cần bàn nhiều tới năng lực tài chính thật sự của Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, chỉ cần nhìn vào những sai phạm của doanh nghiệp này từ nhiều năm qua có thể thấy, đây là doanh nghiệp có nhiều lần vi phạm các quy định nhà nước về đất đai và xây dựng.

Điển hình như tại báo cáo kết quả kiểm tra về xây dựng tại dự án Hồ Mây, một dự án của chủ đầu tư này, đoàn công tác của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 23-5-2017, kết luận, hầu hết các hạng mục xây dựng tại đây, từ hạng mục chánh điện Hồ Mây, núi cảnh quan đến hồ nước, sân khấu nhạc nước... đều không đúng quy hoạch và không có giấy phép xây dựng.

Trả lời câu hỏi trước khi được phê duyệt dự án lấn biển 6,9 ha này, chính quyền địa phương đã xử lý thế nào với hàng nghìn mét vuông chủ đầu tư lấn biển trái phép trong suốt những năm qua? Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện sở chưa nắm được việc xử lý này. Tuy nhiên, tại quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Cụm dịch vụ ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu, ngày 6-6-2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại yêu cầu “chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đất đai liên quan đến phần diện tích chênh lệch so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh cấp”. Vậy trách nhiệm quản lý của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với những sai phạm của công ty này như thế nào?

Thực tế, dự án thủy cung Hòn Ngưu là một trong những dự án đã “ngủ quên” nhiều năm. Khi mời gọi đầu tư vào dự án Vũng Tàu Paradise, cách dự án thủy cung Hòn Ngưu hơn 3 km, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng tiêu chí bắt buộc phải có hạng mục thủy cung. Rất nhiều nhà đầu tư đã xây dựng phương án thiết kế theo hướng này và tại rất nhiều cuộc họp HĐND tỉnh, được truyền hình trực tiếp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình đều khẳng định với người dân địa phương rằng, dự án Vũng Tàu Paradise, với điểm nhấn là hạng mục thủy cung, khu vui chơi dưới nước, sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo của TP Vũng Tàu. Thế nên, khi biết thông tin Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu được chấp thuận lấn biển xây thủy cung, nhiều chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc băn khoăn, trên một đoạn bờ biển không quá dài như vậy, TP Vũng Tàu có nhất thiết phải xây dựng đến hai công trình thủy cung? Được biết, những người có trách nhiệm trong việc khởi động lại dự án thủy cung Hòn Ngưu đều đã và đang chuẩn bị hết tuổi công tác. Dư luận hoàn toàn có cơ sở khi đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại dự án này?

Báo Nhân Dân sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về dự án lấn biển đang gây nhiều tranh cãi và bức xúc hiện nay.