Những công trình vùng cao xây từ nguồn quỹ hai nghìn đồng

NDO -

Từ nguồn ủng hộ trị giá chỉ hai nghìn đồng/lượt, dự án "Sức mạnh 2.000" đã tạo nên 31 công trình ý nghĩa và dự kiến sẽ tiếp tục khởi công hàng trăm công trình khác trong năm 2020, góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn trên cả nước. 

Khánh thành công trình "Ngôi nhà hạnh phúc" trong khuôn khổ Dự án "Sức mạnh 2.000" tặng em Hồ Thị My, học sinh dân tộc Bru Vân Kiều, lớp 3A Trường Tiểu học Tà Long (thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị).
Khánh thành công trình "Ngôi nhà hạnh phúc" trong khuôn khổ Dự án "Sức mạnh 2.000" tặng em Hồ Thị My, học sinh dân tộc Bru Vân Kiều, lớp 3A Trường Tiểu học Tà Long (thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị).

2.000 đồng có thể làm gì?

Khởi xướng từ ý tưởng của anh Hoàng Hoa Trung, Chủ nhiệm Dự án "Ánh sáng núi rừng", Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (trực thuộc T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã triển khai Dự án "Sức mạnh 2.000" và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. 

Dự án nêu trên dựa trên một phép toán đơn giản: hai nghìn đồng là khoản tiền không lớn. Nhưng nếu có 100 nghìn người, mỗi người đóng góp hai nghìn đồng/ngày, thì sau một năm sẽ tích lũy được 73 tỷ đồng. Số tiền này đủ để xây tới 292 điểm trường cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. 

"Tương tự như vậy, nếu có một triệu người tham gia Dự án, thì số tiền quyên góp được sẽ lên tới hơn 500 tỷ đồng, mang đến hy vọng và tương lai tươi sáng, an toàn cho trẻ em vùng cao. Từ đây, chúng tôi mong muốn thay đổi suy nghĩ "chỉ người giàu mới làm từ thiện" thông qua những giá trị lớn lao, những thay đổi mà hai nghìn đồng có thể mang lại", anh Hoàng Hoa Trung chia sẻ.

Những công trình vùng cao xây từ nguồn quỹ hai nghìn đồng -0
Các tình nguyện viên dọn dẹp ngôi nhà bán trú mới khánh thành tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). 

Dự án "Sức mạnh 2.000" gồm bốn chương trình trọng tâm: "Trường đẹp cho em" - xây dựng mới, xóa bỏ các điểm trường tạm bợ; "Nhà nội trú cho em" - xây khu nhà ở nội trú học sinh; "Ngôi nhà hạnh phúc" - xây nhà tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn; "Cây cầu hạnh phúc" - xây mới cầu dân sinh tại địa bàn khó khăn.

Kể từ khi được khởi xướng vào tháng 2-2020 đến nay, dự án đã nhận được sự chung tay ủng hộ từ 18 doanh nghiệp và gần hai nghìn cá nhân, giúp xây dựng và đưa vào sử dụng 31 công trình khác nhau gồm các điểm trường, nhà nội trú, nhà ở... 

Hạnh phúc trên những vùng cao

Chứng kiến "Ngôi nhà hạnh phúc" trong khuôn khổ dự án khánh thành, trở thành món quà ý nghĩa tặng em Hồ Thị My, học sinh dân tộc Bru Vân Kiều, lớp 3A Trường Tiểu học Tà Long (thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị), Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia Đỗ Thị Kim Hoa xúc động cho biết: Đây chỉ là một trong rất nhiều thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt mà Dự án hướng tới. 

Những công trình vùng cao xây từ nguồn quỹ hai nghìn đồng -0
 Điểm trường Huổi Khon 2 xây dựng từ nguồn quỹ Dự án "Sức mạnh 2.000".

"Qua Dự án, chúng tôi đã đến nhiều địa bàn khó khăn, gặp gỡ rất nhiều hoàn cảnh cơ cực. Có những ngôi nhà chẳng thể gọi là nhà, có những điểm trường quá tạm bợ tới mức không thể coi là trường. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần chúng ta mở rộng tấm lòng, trao đi yêu thương mà cụ thể là 2.000 đồng mỗi ngày, thì những điều tưởng như rất nhỏ bé cũng có thể tạo nên nhiều giá trị lớn lao", chị Hoa nói.

Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phát lời kêu gọi: "Hãy cùng chúng tôi gieo mầm nhân ái, biến những điều không thể thành có thể, chung tay tạo nên "Sức mạnh 2.000" để có thêm nhiều trẻ em Việt Nam được sống tốt đẹp hơn thông qua địa chỉ www.sucmanh2000".

Nhà đồng sáng lập Dự án, anh Hoàng Hoa Trung kể lại: "Sức mạnh 2.000" khởi nguồn từ dự án "Ánh sáng núi rừng" vào năm 2009, với mục tiêu xây dựng những trường học, thực hiện các chương trình hỗ trợ điều kiện dạy và học trên vùng cao. Năm 2012, điểm trường và cũng là thành quả đầu tiên của "Ánh sáng núi rừng" được khánh thành tại tỉnh Lai Châu".

Từ "Ánh sáng núi rừng", nhóm thiện nguyện của anh Trung triển khai dự án "Nuôi em" với hình thức mỗi người nuôi một em nhỏ vùng cao, đến nay đã cung cấp bữa trưa cho gần mười nghìn học sinh trong suốt cả năm học, mang nước uống sạch và năng lượng mặt trời, điện gió tới nhiều bản làng.

Những công trình vùng cao xây từ nguồn quỹ hai nghìn đồng -0
 Hiện trạng trước và sau khi Dự án tiến hành sửa chữa Điểm trường mầm non Khu Sỏi (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Với những nền tảng đó, anh Trung nghĩ ra sáng kiến kêu gọi cộng đồng ủng hộ hai nghìn đồng/người mỗi ngày thông qua tài khoản ngân hàng hoặc các hình thức khác, thí dụ như ví điện tử MoMo. Hiện đây là quỹ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam làm được điều này. 

Dự kiến, trong năm 2020, Dự án sẽ tiếp tục khởi công và hoàn thiện hơn 100 công trình điểm trường, nhà nội trú, nhà ở... tặng thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng địa bàn khó khăn trên khắp cả nước.

Mọi sự chung tay, đồng hành cùng Dự án "Sức Mạnh 2.000", vui lòng liên hệ: Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam), phòng 702, số 62 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội); số điện thoại 097.530.2307 và 024.62631884 (anh Hoàng Hoa Trung , Điều hành Dự án "Sức Mạnh 2.000"); e-mail: duansucmanh2000@gmail.com hoặc địa chỉ: www.sucmanh2000.com.