Những chiến binh thầm lặng truy vết các F

NDO -

Đã nhiều đêm trắng đối với những chiến binh thầm lặng là nhân viên y tế tuyến đầu. Trong bộ đồ bảo hộ màu xanh, màu trắng kín mít, họ di chuyển liên tục, ăn tạm, ngủ tạm và làm việc với cường độ gấp nhiều lần bình thường.

Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng chuyển F0 đến bệnh viện, sáng 15-5.
Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng chuyển F0 đến bệnh viện, sáng 15-5.

Thần tốc truy vết

Sáng 15-5, ngay khi có thông tin phát hiện thêm bốn ca nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, ngay lập tức, đội quân truy vết của Trung tâm y tế quận Sơn Trà và phường An Hải Đông có mặt để điều tra dịch tễ, truy vết F1, F2. Chỉ vài phút sau khi có lệnh, khu vực dân cư được phong tỏa, chốt chặn, xe cấp cứu 115 đến chuyển các F1 đầu tiên trong nhà bệnh nhân đến nơi cách ly. Việc bàn giao, vận chuyển bệnh nhân F0 đến cơ sở điều trị được thực hiện ngay sau đó. Sau khi yêu cầu bệnh nhân mặc trang phục bảo hộ, xe cấp cứu 115 đến, tất cả ê-kíp làm việc được trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng, phối hợp kiểm tra lại thông tin bệnh nhân và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở điều trị.

Đội truy vết của y tế quận Sơn Trà vào việc từ sáng sớm, chia nhỏ quân, gõ từng nhà trong khu vực phong tỏa. Tất cả công việc được triển khai nhanh nhất có thể. Chốt phong tỏa được lập, lực lượng trực được điều động vào chốt.

Đã hai tháng nay, từ quản lý y tế tại các khách sạn hiện đang cách ly công dân giải cứu về nước, đến khi dịch bùng phát lại hơn 10 ngày nay, bác sĩ Lê Hồng Thuận, Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà chưa được về nhà.

Những chiến binh thầm lặng truy vết các F -0
 Công tác truy vết được triển khai nhanh chóng, chuyển tất cả F1 đầu tiên đến khu cách ly. 

Là người trực tiếp điều tra các trường hợp F0, F1, F2, bác sĩ Thuận chia sẻ: Chúng tôi trực chiến 24/24, khi nhận thông tin có ca F0, tổ điều tra dịch tễ nhanh chóng tổ chức lực lượng, triển khai công việc truy vết các F và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Công việc nhiều và áp lực lớn buộc anh em phải nỗ lực gấp 200% công việc bình thường. Công tác truy vết F1 vất vả vì nhiều địa điểm F0 đi đến tương đối mơ hồ, không rõ ràng. Có một bộ phận người mắc bệnh và F1 khai báo quanh co, dấu thông tin, chúng tôi buộc phải phối hợp lực lượng công an để dùng biện pháp mạnh, cưỡng chế, buộc họ khai ra lịch trình, khai báo thông tin. Nhiều địa điểm trong lịch trình không có camera giám sát nên việc xác định F1 và những người liên quan gặp rất nhiều khó khăn.

“Anh em trong đội truy vết vất vả nhiều. Như sáng nay đây, là ngày cưới của một nhân viên nữ trong đội. Nhưng dịch bệnh đến, chị ấy đã tạm gác lại hạnh phúc riêng, để cùng anh em trực chiến. Trong mấy ngày qua, nhiều anh chị em đuối sức, nhưng chúng tôi phải động viên nhau vững vàng, tiếp tục chạy như thoi”, bác sĩ Thuận chia sẻ thêm.

Lấy mẫu, xét nghiệm xuyên đêm 

Trải qua nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đà Nẵng, cho biết: Số lượng công việc gấp hàng trăm lần trong khi con người thì ít, công việc gặp không ít khó khăn. Đối với công tác truy vết, mỗi anh em đều phải dùng hai máy điện thoại mới có thể xử lý hết công việc. Các nhân viên truy vết không có khái niệm thời gian, chuyện xong việc lúc 1-2 giờ  sáng, thậm chí là xuyên đêm.  CDC chia thành nhiều tổ làm việc. Tổ truy vết là người đi tiên phong, tìm cặn kẽ lịch trình của các ca F0. Tổ nhập liệu nhập số liệu ở các quận huyện, xử lý trên máy tính. Tổ hướng dẫn các tổ Covid cộng đồng. Tổ báo cáo cập nhật số liệu. Tổ xét nghiệm.

Quận Sơn Trà đang là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng. Từ chiều tối 14-5 đến sáng nay, 15-5, hơn 3.000 mẫu xét nghiệm diện rộng tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang đã được lấy. Hàng chục nhân viên y tế đã làm việc xuyên đêm.

Chị Phan Thị Loan, Khoa Xét nghiệm, Trung tâm y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, chia sẻ, mặc dù đã quen với cường độ làm việc trong những thời gian Đà Nẵng bùng phát dịch năm 2020, nhưng bốn ngày vừa qua, em cùng các đồng nghiệp đã chịu áp lực cả về thời gian và công việc.  Ngày 11-5, ngay khi khi phát hiện ca F0 tại Khu công nghiệp An Đồn, có lệnh là đi. “Cường độ làm việc khẩn trương và cao nhất là từ chiều 11 đến hết ngày 12-5. Trước đó mấy ngày, bọn em đã đi lấy mẫu liên tục tại các khu vực cách ly, phong tỏa liên quan đến các ca bệnh khác đến 4, 5 giờ sáng. Nhưng nhận lệnh, đi ngay. Em mệt và khóc vì kiệt sức và gục ngay trên xe cấp cứu, chợp mắt một lúc.

Những chiến binh thầm lặng truy vết các F -0
 Phút nghỉ ngơi giữa hai ca làm việc.

Với những đêm xét nghiệm xuyên đêm như tại Khu công nghiệp An Đồn hay Âu thuyền Cảng cá Thọ Quang hôm nay, bọn em xác định không ngủ, cố gắng hết sức vì cộng đồng. Để làm sao đẩy lùi được dịch bệnh. Tại Khu công nghiệp An Đồn đã có hơn 9.000 mẫu được lấy trong hai ngày đêm. Đó là một nỗ lực hết sức của nhiều đơn vị, trong đó có em và các đồng nghiệp.

Lúc chờ kết quả xét nghiệm tại các khu vực, em chỉ sợ ca dương tính. Đó là nỗi sợ rất thật, vì cứ có ca dương tính là bọn em lại chạy ngoài đường để truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm. Làm việc trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ca mắc trong cộng đồng nhiều, ủ bệnh lâu, em và các đồng nghiệp lại động viên nhau phải hết sức bình tĩnh hơn, vì tiếp xúc trực tiếp, nguy cơ lây nhiễm cao.

Những chiến binh thầm lặng truy vết các F -0
 Lấy mẫu xuyên đêm cho gần 3.000 người tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang.

“Em mới vào ngành được hai năm và lăn lộn với dịch đến bây giờ đã quen với cường độ làm việc những ngày cao điểm, em chỉ biết tự an ủi mình phải cố gắng. Hạnh phúc vì vẫn là những người lặng thầm nơi đầu tuyến. Chỉ mong dịch nhanh chóng được ổn định. Để bọn em không còn phải chạy như thoi, trong bộ đồ phòng hộ kín mít và nhiều lớp khẩu trang. Dịch bệnh có ai mong muốn đâu, nhưng, nếu ai đó bị nhiễm bệnh, mong rằng hãy hợp tác với ngành y tế, khai báo y tế, lịch trình đầu đủ. Để lực lượng chức năng sớm khoanh vùng, dập dịch”, Loan chia sẻ.

Đà Nẵng tiên phong xét nghiệm gộp

Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) Tôn Thất Thạnh, từ đợt dịch thứ 2 (tháng 7-2020), Đà Nẵng là điểm sáng của cả nước về hình thức xét nghiệm gộp và nhanh chóng phát hiện các ca lây nhiễm. Hiện đơn vị đã đẩy mạnh thêm một bước nữa đó là ống gộp 10 mẫu. Và khả năng trong phòng xét nghiệm thì gộp hai ống (10 mẫu) thành ống 20 mẫu để vừa đẩy nhanh kết quả xét nghiệm và tiết kiệm hơn.

Mới đây, đến thăm và “thưởng nóng” CDC Đà Nẵng vì xuất sắc trong công tác xét nghiệm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, CDC đã triển khai tốt, sáng tạo trong quá trình tổ chức xét nghiệm. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học, kinh tế và đặc biệt là nâng cao năng lực xét nghiệm của CDC. Đây là kinh nghiệm cho các địa phương khác trong tình hình mới khi chúng ta còn đang rất thiếu các phương pháp, các nguồn sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch. Đặc biệt trong đợt dịch ngày 11-5, Đà Nẵng đã đạt kỷ lục kết quả xét nghiệm trong thời gian rất ngắn với gần 22 nghìn người. Điều này góp phần rất lớn để thành phố chủ động tình hình, đưa ra các phương án phòng chống dịch phù hợp, kịp thời.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan