Những cây cầu mở ra cơ hội phát triển

NDO -

Không còn cảnh lụt lội cả tháng, đi thuyền bằng mảng tự chế vượt qua dòng nước lũ qua sông, những chiếc cầu mới xây kiên cố, vững chắc được xây dựng tại nhiều vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An không chỉ giúp người dân đi lại an toàn, mà còn thay đổi diện mạo giao thông, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cầu Vàng (Thanh Hóa) mới xây rộng 33m, nối nhịp cầu giữa xã Yên Thịnh, huyện Yên Định và xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.
Cầu Vàng (Thanh Hóa) mới xây rộng 33m, nối nhịp cầu giữa xã Yên Thịnh, huyện Yên Định và xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.

Đây là những cây cầu mới nằm trong “Dự án Tín dụng ngành giao thông vận tải cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai” do Nhật Bản hỗ trợ vừa  hoàn tất tiến hành cải tạo, xây dựng thay thế nhiều cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Xóa bỏ các “rốn” lũ

Đã nửa năm kể từ khi khánh thành cây cầu Vàng, bắc qua sông Cầu Chày (hay còn gọi là sông Ngọc Chùy), một nhánh của sông Mã, mà ông giáo già Lê Ngọc Thắng, 76 tuổi, thôn Hoa Lộc, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), vẫn còn dâng trào cảm xúc khi nói đến cây cầu nằm trên Quốc lộ 47B mà ông coi như “huyền thoại”. “Cầu vĩnh cửu, cầu tương lai/Thỏa lòng mong ước của hai huyện nhà”, vần thơ giản dị mà ông đọc với sự tự hào, đó cũng chính niềm mong đợi bao lâu nay của người dân nơi đây. Mong ước đã trở thành hiện thực khi cây cầu Vàng mới rộng 33m được hoàn thành, phía bắc thuộc địa phận xã Yên Thịnh, huyện Yên Định và phía nam thuộc địa phận xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.

2_3-1610098382481.jpg
 Bà Nguyễn Thị Khánh Vân, 74 tuổi, thương binh 1/4 tự hào với cầu Vàng, bà bảo: “Cây cầu làm đổi thay diện mạo quê hương”.

Dẫn chúng tôi ra thăm cầu, ông Thắng chỉ tay về dấu tích bên dưới của hai cây cầu Vàng cũ được xây từ hai giai đoạn khác nhau. Ông bảo: “Cây cầu tràn được xây từ năm 1933 đủ các phương tiện thô sơ đi qua, cầu bê tông bên trên hiện đại hơn cũng chỉ rộng 4,6m, khi có hai xe ô-tô ngược chiều thì chỉ một xe được qua cầu. Trong khi đó, đường dẫn cầu khúc cua tay áo tạo nút thắt che khuất tầm nhìn, mất an toàn khi tham gia giao thông, một số vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra”.

Ông giáo già thấu hiểu nỗi vất vả của học sinh mỗi khi trời mưa lớn, nước sông dâng cao, ngập lụt ít thì vài ngày, nhiều thì tới vài tuần mới rút. Khi đó, khu vực này trở thành “rốn” lũ, chia cắt các xã của hai huyện Yên Định và Thọ Xuân. Học sinh Yên Định học trường bên Thọ xuân phải nghỉ học. Ông bảo, giờ thì cứ băng băng mà đi, không phải còn chứng kiến cảnh di chuyển nguy hiểm trên những bè, mảng để vượt qua dòng nước xiết sang bờ bên kia. Có cầu mới, bà con địa phương vui mừng lắm, còn bảo nhau ý thức bảo vệ cầu nữa. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên bà con đón Tết trong không khí vui tươi phấn khởi nhờ cầu mới đã giúp cho việc đi lại thuận lợi và an toàn. Cầu Vàng là một trong 25 cầu yếu, được thay thế bằng những cây cầu bê-tông dự ứng lực vững chãi trên các tuyến Quốc lộ tại Thanh Hóa trong hai giai đoạn của Dự án này.

Tại Nghệ An, nhiều cầu tràn cũng đã xuống cấp, vào mùa mưa lũ bị ngập sâu trong nước tới 3-5m, kéo dài cả tuần mỗi đợt lũ. Nhiều điểm ngập sâu như hai cầu tràn trên cầu tràn quốc lộ QL48E, cầu Dinh nối xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn và xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp; Cầu Hiếu nối xã Nghĩa Hưng và xã Nghĩa Thịnh của huyện Nghĩa Đàn. Cột báo lũ vẫn được đặt ngay gần cầu tràn Dinh cũ để minh chứng về những ngày tháng mùa lũ cô lập nơi đây thành ốc đảo.

Cây cầu cũ bằng dầm thép tạm, bề ngang hẹp đã có gần 30 năm xây bắc qua sông Dinh. Để cảnh báo người dân khi lưu thông qua đập tràn, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn địa phương đã chỉ đạo cho các xã đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm xung yếu, cử cán bộ canh trực, ngăn không cho người và phương tiện qua lại đập tràn trong những ngày mưa lũ...

Con sông Dinh hiền hòa là vậy, hai bên là những ruộng mía rộng lớn nhưng mỗi khi nước lũ về, nước dâng cao và chảy xiết, lại luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Xã Nghĩa Xuân có 48% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Thổ và Thái, với diện tích 2.200 ha nhưng chỉ có một nửa dành cho sản xuất nông nghiệp, còn lại là các ngành nghề dịch vụ. Khi chưa có cầu mới, mỗi năm, nếu vào mùa mưa người dân nơi đây bị lũ cô lập cũng chừng 40 đến 45 ngày. Giao thông bị chia cắt hoàn toàn, làm đảo lộn cuộc sống của bà con.

3-1610098382410.jpg
 Cột báo lũ ngay gần cầu Dinh cũ để minh chứng về những ngày tháng mưa lũ nơi đây thành ốc đảo.

“Chỉ cần dâng 2m trở lên là thuyền bè cấm qua lại. Ngày trước hễ cứ ngập là dân phải đi tắt đường rừng đến tới 15 cây số mới đến quốc lộ 48. Mía đến kỳ thu hoạch xong không thể vận chuyển được về nhà máy, còn chợ Dinh thì thưa thớt người mua kẻ bán. Nhu cầu của người dân thưởng thức văn hóa văn nghệ mỗi khi có đội chiếu bóng lưu động đến biểu diễn đều phải dừng lại. Giờ chuyện đó đã là quá khứ rồi...”, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp bày tỏ.

Việc thay thế hai cầu tràn Dinh và Hiếu đã giúp cho bà con khu vực cầu không bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ, đặc biệt là bà con ở xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, và Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. Ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Không chỉ phá thế “ốc đảo”, thỏa ước nguyện bao đời nay của bà con trên địa bàn, những cây cầu mới xây này còn giúp thuận lợi, bảo đảm việc đi lại, vận chuyển mía, ngô, lúa của người dân. Đời sống bà con thay đổi rõ rệt khi nhiều cơ hội cho mở rộng chăn nuôi, trồng trọt”.

Đây là hai cây cầu mới nằm trong số 10 cầu yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An được Dự án hỗ trợ thực hiện, tạo liên kết giữa các xã trong huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp trong việc phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.

Ông Tô Đức Lưu, trưởng phòng điều hành Dự án 3, Ban quản lý Dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải, chia sẻ về lựa chọn đầu tư các cầu yếu để được hỗ trợ cải tạo, thay thế: “Những tiêu chí để lựa chọn dựa vào những cây cầu có tầm quan trọng và nhu cầu vận tải trên tuyến; không đáp ứng được tải trọng trên tuyến; không đáp ứng được bề rộng cầu so với quy mô của tuyến, đoạn tuyến; không đáp ứng về thời gian khai thác liên tục, có thể bị gián đoạn khi có mưa lũ; các cầu phao, phà trên tuyến…”.

Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải cải tạo hệ thống đường quốc gia lần hai đã thực hiện đầu tư, tiến hành cải tạo, hoàn tất xây dựng lại các cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tổng cộng 242 cây cầu được triển khai bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện tại Việt Nam.

Mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực phát triển

Khác với những cầu mới xây trong hai năm qua, cầu Khe Tọ ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) trên tuyến quốc lộ QL15 đi vào hoạt động cách đây 8 năm thật sự góp phần phát triển đời sống kinh tế xã hội của người dân trên địa bàn. Nếu ở cầu tràn Khe Tọ cũ chỉ xe đạp, xe máy và người đi bộ có thể qua cầu, người dân nơm nớp mỗi lần mưa lũ về, thì sau khi có cầu Khe Tọ mới, ô-tô có thể thoải mái tránh nhau trên cầu, kết nối giao thông của người dân với thị trấn Nghĩa Đàn và các địa phương lân cận trở nên thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng. Làng nghề mộc của phường Quang Phong ở đây nhờ đó cũng khởi sắc hơn.

4_2-1610098382334.jpg
Cầu Dinh mới giúp bà con một số xã của huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp (Nghệ An) không bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ. 

Nhờ kết nối giao thông thuận tiện, những cây chủ lực như cao su, cam, mía được thu mua tận nơi. Bình quân thu nhập người dân cũng tăng từ 14 lên gần 30 triệu đồng/năm, 15% số hộ nghèo trước đây hiện giảm chỉ còn chưa đến 1%. Cây cầu Khe Tọ thật sự đã mang lại bộ mặt mới cho thị xã Thái Hòa, thị xã mới thành lập tách từ huyện Nghĩa Đàn.

Những câu chuyện giao thông đi trước mở đường, tạo sức lan tỏa để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể dễ nhận thấy ở huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp của Nghệ An. Nghĩa Đàn là huyện nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, cửa ngõ Tây Bắc Nghệ An, có vị trí địa lý thuận lợi và quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đường Hồ Chí Minh chạy qua dài 36 km; Quốc lộ 48A chạy ngang nối liền với các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong; Quốc lộ 48 E cùng với các tuyến đường tỉnh, đường huyện tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ thông suốt.

Ông Đinh Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn phấn khởi cho biết: “Từ ngày có cầu mới, bà con trồng mía, trồng cam... thuận lợi vận chuyển trong vụ thu hoạch, giá tăng được 1,5 lần. Bà con phát huy lợi thế và kinh nghiệm chăn nuôi để đầu tư phát triển chăn nuôi. Xã xác định chăn nuôi giúp bà con ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo và bước đầu làm giàu từ chăn nuôi gia trại”.

Xã Nghĩa Hưng có thể phát triển đàn gà lớn nhất huyện Nghĩa Đàn. Nhiều hộ quyết định chuyển hướng sang nuôi gà thịt, xây dựng trang trại tập trung, liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp con giống, thức ăn, thú y và cả các cơ sở bao tiêu sản phẩm. Có hộ gia đình nuôi nhiều đến bảy nghìn con gà, hộ nuôi ít cũng nghìn con, nhiều hộ thu lãi cả trăm triệu sau mỗi lứa gà.

5-1610098382613.jpg
 Cầu Hiếu là một trong số 10 cầu yếu được xây mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông nghiệp hiện đã và đang hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả tốt. Sau khi hoàn thành, cầu Dinh và cầu Hiếu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy sữa, nhà máy đường, phát triển chăn nuôi gia trại... Những lợi thế nổi bật của huyện không chỉ có tới hơn 10 nghìn ha đất đỏ bazan màu mỡ phì nhiêu, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả; mà còn cả hệ thống sông ngòi dày đặc và hơn 130 hồ đập lớn nhỏ.

Ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: “Những năm qua, kinh tế xã hội của huyện Nghĩa Đàn có những phát triển mạnh mẽ nhờ việc chuyển hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Huyện đang có kế hoạch quy hoạch trồng gỗ nguyên liệu, nguyên liệu ngành dược và liên kết tiêu thụ để nâng cao đời sống bà con nông dân. Hiện nay, trong chương trình phát triển kinh tế, Nghĩa Đàn ban hành các cơ chế chính sách, đồng thời kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản sạch, thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghệ cao...”.

Là huyện miền núi Tây Bắc Nghệ An, huyện Quỳ Hợp có hơn 54% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở 14 xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, miền núi ở Quỳ Hợp.

Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Việc xây dựng cầu Dinh và cầu Hiếu tạo ra kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 48, thúc đẩy kết nối thông thương khu vực kinh tế mới nổi, năng động đang phát triển phía Tây Bắc của thị xã Thái Hòa, giúp cho việc vận chuyển hàng nông sản trong khu vực của các xã huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp đi về các huyện lân cận trong tỉnh Nghệ An cũng như các tỉnh phía bắc thuận lợi hơn...”. Từ khi có cầu mới, không chỉ các kết nối giao thương được phát triển mà cả kết nối, giao lưu văn hóa  tại những ngày lễ truyền thống, ngày hội văn hóa đại đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng được bền chặt, gắn bó hơn.

Công tác xóa đói giảm nghèo tại Nghệ An đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhờ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với các huyện miền núi khó khăn cũng như thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông nhằm đẩy mạnh thông thương giữa các vùng, các khu vực, tăng giá trị sản phẩm do đồng bào sản xuất.

Trở lại huyện Thọ Xuân và Yên Định của Thanh Hóa, từ ngày có cây cầu mới, các dự án được nhanh chóng triển khai, các khu công nghiệp dự kiến thu hút 1.500 lao động, góp phần cho các địa phương triển khai hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo và giúp người dân những vùng khó khăn dễ dàng tiếp cận với văn hóa, y tế, giáo dục…

Ông Lê Văn Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Thịnh, huyện Yên Định không giấu được niềm vui: “Trước đây, từ xã đi sân bay Sao Vàng mất đến 50 phút, mà giờ chỉ mất 20 phút. Bà con nông dân nhận thấy giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên, khi nông sản do mình làm ra được vận chuyển thuận lợi tới các tỉnh lân cận bằng xe ô-tô hay theo đường hàng không vào miền nam...”.

Mức thu nhập của người lao động trên địa bàn huyện Yên Định năm 2020 tăng lên bình quân khoảng 42 triệu đồng mỗi người, con số đáng khích kệ so với chỉ 28 triệu đồng của năm 2018. Kết quả này có được từ những tác động tích cực của việc đầu tư và quan tâm tới cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn trong những năm qua. Còn với huyện Thọ Xuân, có những cơ sở để thực hiện mục tiêu phấn đấu là một trong huyện dẫn đầu của Thanh Hóa về giao thông nông thôn trong những năm tới.

6_1-1610098382129.jpg
 Cầu Khe Tọ ở thị xã Thái Hòa được hỗ trợ xây dựng từ 8 năm nay.

Năm qua, cầu Vàng đã thật sự có tác dụng kết nối lưu thông vận chuyển hàng hóa, là cầu nối phía Tây Nam huyện Yên Định về Quốc lộ 47, sân bay Sao Vàng và đường Hồ Chí Minh. Quốc lộ 47 tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông tiếp cận với Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu du lịch biển Sầm Sơn, Khu đô thị công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, Khu di tích Lam Kinh, suối cá thần và đặc biệt là Khu di tích thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới…

Có thể nói, trong nhiều năm qua, Nghệ An và Thanh Hóa nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu giao thương hàng hóa, liên kết kinh tế vùng, mở rộng hợp tác giữa với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Tại nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, các địa phương này vẫn mong muốn được tạo điều kiện có thêm những cây cầu mới, giúp giao thông được thông suốt bốn mùa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tại các vùng khó khăn phát triển trong thời gian tới.

Thực tế rõ ràng, những cây cầu mới được cải tạo và xây mới trên địa bàn hai tỉnh này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa các vùng khó khăn, mở ra nhiều cơ hội đổi thay, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây.