Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở Hà Giang nhanh xuống cấp

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hà Giang đã làm được hơn 7.000 km đường bê-tông nông thôn từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới (NTM) và đề án hỗ trợ một triệu tấn xi-măng của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân phản ánh về tình trạng một số tuyến đường bê-tông không bảo đảm kỹ thuật, chất lượng kém, nhanh xuống cấp.

Tuyến đường từ cầu Vằng Gia, xã Nấm Dẩn đi xã Chế Là (huyện Xín Mần) có chất lượng rất thấp.
Tuyến đường từ cầu Vằng Gia, xã Nấm Dẩn đi xã Chế Là (huyện Xín Mần) có chất lượng rất thấp.

Vừa qua, tỉnh Hà Giang đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đường bê-tông nông thôn thực hiện từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM và Đề án 114 của tỉnh về hỗ trợ một triệu tấn xi-măng cho các huyện làm đường bê-tông nông thôn.

Theo số liệu thống kê, năm 2019, tỉnh Hà Giang có 490 công trình đường giao thông nông thôn được đầu tư từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM và Đề án 114, các công trình này đều do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Đến cuối tháng 7 vừa qua, đã có 286 công trình hoàn thành. Để kiểm tra chất lượng các tuyến đường mới được đầu tư xây dựng, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 34 công trình tại 26 xã.

Đánh giá của đoàn kiểm tra cho thấy, các địa phương đã có tiến bộ trong thực hiện công tác quản lý chất lượng theo kiến nghị của đoàn kiểm tra của tỉnh trong năm 2018. Tuy nhiên, một số huyện vẫn đưa vào dự toán máy móc thiết bị thi công không phù hợp điều kiện, năng lực của tổ thi công ở địa phương như máy gạt, lu, cần cẩu. Tài liệu về quản lý chất lượng công trình còn nhiều thiếu sót như: Không có bản vẽ thiết kế thi công; không có văn bản hướng dẫn kỹ thuật thi công; không có nhật ký thi công hoặc có nhưng không được xác nhận của giám sát, không có biên bản kiểm tra vật liệu đầu vào.

Kiểm tra thực tế tại hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá công tác giám sát và hướng dẫn kỹ thuật không được thực hiện nghiêm, dẫn đến tình trạng một số công trình thi công không đúng thiết kế, cụ thể như: Công tác xử lý gia cố nền trước khi đổ bê-tông không được thực hiện đúng yêu cầu; không thi công lớp móng đá dăm tiêu chuẩn hoặc cấp phối đá dăm, sỏi cuội hoặc thi công không đúng yêu cầu; vật liệu đầu vào thi công các công trình không bảo đảm chất lượng; máy móc, thiết bị thi công không đầy đủ như hợp đồng đã ký; một số nơi cắt giảm, không sử dụng lớp bạt dứa hoặc ni-lông lót nền tránh mất nước xi-măng và giảm ma sát đáy tấm bê-tông dẫn đến công trình đường bê-tông không bảo đảm chất lượng. Qua việc khoan lấy mẫu và nén kiểm tra của Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình (Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang) cho thấy, trong tổng số 56 mẫu được lấy từ 34 công trình đường bê-tông, chỉ có bốn mẫu có cường độ bê-tông đạt 100% so thiết kế và năm mẫu đạt mác bê-tông đúng hồ sơ công trình. Nhiều mẫu có cường độ bê-tông và mác bê-tông chỉ đạt 1/5 so thiết kế. Thậm chí, trong ba mẫu bê-tông lấy trên tuyến đường từ cầu Vằng Gia, xã Nấm Dẩn đi xã Chế Là (Xín Mần), kết quả kiểm tra, nén mẫu xác định mác bê-tông, cường độ bê-tông qua kiểm tra chỉ đạt từ 18,8% đến 38%.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang Hoàng A Chinh cho biết: Các huyện đã không thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công. Công tác quản lý chất lượng chưa được các chủ đầu tư quan tâm. Việc các xã thành lập ban giám sát cộng đồng để giám sát quá trình làm đường, tuy nhiên những thành viên này lại không có kiến thức về chuyên môn, không thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị và giải pháp thi công dẫn đến việc các tổ, đội thi công sử dụng vật liệu không đúng yêu cầu.

Một thực tế khó khăn dẫn đến chất lượng đường giao thông nông thôn chất lượng kém đó là, các công trình được thực hiện theo cơ chế nhà nước hỗ trợ 70% mức đầu tư (xi-măng và một phần kinh phí vật liệu, thi công), 30% còn lại các địa phương và nhân dân đối ứng. Tuy nhiên, ngân sách các huyện không hỗ trợ được nhiều, trong khi đời sống của người dân các xã còn khó khăn, nhiều địa phương đề ra chỉ tiêu đóng góp vượt quá nguồn lực có thể huy động từ nhân dân. Do đó, hầu như các xã chỉ sử dụng phần 70% kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và công lao động của người dân để triển khai thi công đường dẫn đến thiếu vật liệu hoặc vật liệu không bảo đảm chất lượng. Một số công trình phải cắt bỏ, thực hiện không bảo đảm một số chi tiết kỹ thuật như lớp đá dăm, sỏi cuội lót nền cấp phối, vải bạt hay giảm chiều dày nền đường.

Kết quả đợt kiểm tra vừa qua cho thấy Xín Mần là huyện có các mẫu kiểm tra đạt chất lượng kém nhất. Nhiều công trình được kiểm tra có cường độ bê-tông và mác bê-tông đạt dưới 50% so thiết kế, thậm chí có công trình mác bê-tông thực tế đạt chưa tới 20%. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Bùi Minh Hiệu cho biết: “Chất lượng các công trình đường giao thông nông thôn đạt thấp, trách nhiệm lớn nhất là ở các chủ đầu tư. Ngay khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu các xã có công trình được kiểm tra, tự huy động nguồn kinh phí khắc phục đổ thêm lớp bê-tông đúng tiêu chuẩn lên nền đường cũ. Đồng thời thành lập tổ công tác của huyện đi kiểm tra toàn bộ các công trình trên địa bàn huyện, yêu cầu các xã chấn chỉnh ngay công tác quản lý, giám sát thi công các công trình. Công trình nào thi công không đúng thiết kế, không bảo đảm chất lượng thì yêu cầu đình chỉ. Các công trình hoàn thành nhưng chất lượng không bảo đảm thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm”.

Từ kết quả kiểm tra, tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo ngay việc rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình làm đường bê-tông nông thôn. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 20% số công trình được kiểm tra đạt chất lượng, đúng thiết kế là con số đáng báo động về công tác quản lý, giám sát, thi công các công trình đường giao thông nông thôn. Điều đáng nói, năm 2018, tỉnh Hà Giang cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra chất lượng đường bê-tông nông thôn và cảnh báo các địa phương về công tác quản lý, giám sát chất lượng đường, nhưng đến năm nay, tình trạng này vẫn chưa chuyển biến. Điều đó cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp huyện, xã trong làm đường bê-tông nông thôn. Bên cạnh đó là chưa xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân đã có hành vi vi phạm dẫn đến một số tuyến đường xuống cấp, không bảo đảm chất lượng.

Tại hội nghị giao ban tiến độ chương trình xây dựng NTM tháng 9-2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, Nguyễn Minh Tiến một lần nữa yêu cầu các địa phương phải chấn chỉnh ngay công tác quản lý, giám sát chất lượng đường giao thông nông thôn, khắc phục tình trạng lãng phí, kém chất lượng.