Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên học công nghệ ô-tô

NDO -

NDĐT- Với điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống cũng như nhu cầu của người dân ngày càng cải thiện, ngành công nghiệp ô-tô được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển. Điều này cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ trong lĩnh vực này.

Đào tạo sinh viên ngành công nghệ ô-tô của trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (Ảnh minh họa: HCEM).
Đào tạo sinh viên ngành công nghệ ô-tô của trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (Ảnh minh họa: HCEM).

Nhu cầu thị trường lớn

Trong thông báo tuyển dụng tháng 4 năm 2020, hãng xe Vinfast tuyển dụng nhiều vị trí từ giám đốc, quản đốc, trưởng phòng dịch vụ, tư vấn bán hàng, cố vấn dịch vụ, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kho… Riêng với vị trí quản đốc, công ty tuyển tại 13 tỉnh, với yêu cầu như tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành cơ khí, điện, điện tử, ô-tô, có ít nhất ba năm kinh nghiệm chuyên môn kỹ thuật tại xưởng và ít nhất một năm ở vị trí quản đốc tại các xưởng dịch vụ ô-tô. Đối với vị trí nhân viên kỹ thuật, công ty yêu cầu tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành cơ khí, điện, điện tử, ô-tô.

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô-tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford… Cùng với đó là một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam… kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước với ngành nghề này gia tăng.

Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp ngành cơ khí, kỹ thuật ô-tô cho năm học 2020-2021, TS Đặng Trọng Hợp, Phó trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, khi làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng cao, nhu cầu tuyển dụng người được đào tạo bài bản ngành kỹ thuật ô-tô rất lớn. Với trường ĐH Công nghiệp, tỷ lệ sinh viên ngành này có việc làm sau một năm tốt nghiệp đạt tới 95%. Trên các trang web tuyển dụng như Vietnamworks, Mywork, CareerLinks…, rất nhiều vị trí tuyển dụng liên quan đến ngành công nghiệp ô-tô như kỹ sư, kỹ thuật viên sửa chữa, cố vấn dịch vụ kỹ thuật, nhân viên bảo dưỡng…Các đơn vị tuyển dụng có thể là các tập đoàn lớn như Thaco, Honda, Vinfast… tới các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, xưởng, đại lý ô-tô.

Là một trong những người có nhu cầu tìm việc liên quan đến lĩnh vực này, anh Phạm Văn Hiệp (phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh) cho biết, hiện nay, ô-tô không chỉ là phương tiện của cơ quan, doanh nghiệp mà còn là phương tiện cá nhân phổ biến của nhiều gia đình. Vì vậy, lượng khách hàng nhiều, kéo theo đó là các nhà máy, hệ thống đại lý, cửa hàng bán và sửa chữa ô-tô cũng tăng. Số lượng lao động với ngành này cũng tỷ lệ thuận với nhu cầu của thị trường, ngay cả ở thành phố cũng như nông thôn. “Những người được học hành bài bản các chuyên ngành liên quan đến ô-tô cũng trở nên “có giá” hơn”, anh Hiệp nhận xét.

Không kén người học

Kỹ thuật ô-tô là một trong những ngành đào tạo chính tại nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay. Ngành học này dành cho các bạn trẻ có đam mê về kỹ thuật, có tư duy sáng tạo, được tiếp xúc với công nghệ hiện đại… Thời lượng thực hành tại xưởng, gara ô-tô, nhà máy chiếm 70% thời gian học tại trường. Bên cạnh đó, chương trình học còn có thể gắn với các giờ thực hành tại các công ty theo chương trình đối tác, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô-tô sau khi ra trường có thể đảm nhận các vị trí như: Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô-tô, máy động lực tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ô-tô; Kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô-tô; Nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô-tô, máy động lực, phụ tùng ô-tô...

Với việc hiện đại hóa, tự động hóa công nghệ, ngành kỹ thuật ô-tô cũng không chỉ dành riêng cho nam giới. TS Nguyễn Anh Ngọc, Trưởng khoa Công nghệ ô-tô (ĐH Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ, với ngành công nghệ kỹ thuật như kỹ thuật ô-tô, các bạn nữ cũng không hề lép vế mà có thể phát huy sở trường, năng lực cũng như thế mạnh của mình. Ông dẫn chứng, ở nhiều vị trí khác nhau như vị trí cố vấn dịch vụ, khối kho vận, quản lý logistic vận tải…, vừa cần kiến thức kỹ thuật vừa cần kỹ năng mềm dẻo của lĩnh vực dịch vụ phù hợp với nữ giới.

Các cơ sở đào tạo đều cam kết giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường. Thầy giáo Phùng Văn Cảnh (Trưởng Khoa Cơ khí Động lực, trường Cao đẳng Lào Cai) cho biết, hai điều mà nhà trường luôn cam kết cho sinh viên là được giới thiệu việc làm sau khi ra trường và được học kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều cựu sinh viên của Khoa cho biết, mức thu nhập khởi điểm của sinh viên khi mới ra trường có thể đạt từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, nhiều trường thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thí sinh trong quá trình nhập học để khuyến khích sinh viên. Cụ thể, trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội miễn giảm 100% học phí năm 2020 đối với sinh viên đạt danh hiệu Học sinh giỏi trong ba năm học phổ thông, Miễn giảm 50% học phí năm 2020 nđối với thí sinh đạt điểm tổng kết lớp 12 từ 8,5 trở lên. Miễn giảm 50% học phí năm 2020 đối với thí sinh là con thương binh, liệt sĩ. Nhà trường cũng cam kết sẽ hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên trong thời gian học tập, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tư vấn và hỗ trợ xin học bổng du học Đức và Nhật Bản …