Nhiều chủ tàu 67 ở Thanh Hóa, Nghệ An tiến thoái lưỡng nan

Sau 5 năm đi vào hoạt động, hiện có khoảng một nửa số tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là tàu 67) ở Thanh Hóa, Nghệ An đạt hiệu quả không cao, nhiều chủ tàu không trả được tiền gốc và lãi theo cam kết. Ngân hàng và ngư dân đã buộc phải đưa nhau ra tòa, phát mại một số tàu, khiến không ít ngư dân có nguy cơ trắng tay, mất tàu, mất nhà… một hệ lụy buồn mà trước khi đóng mới tàu 67, ít người nghĩ đến...

Con tàu vỏ sắt của ông Nguyễn Duy Muộn ở phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) phát sinh hỏng hóc ngay từ khi mới đưa vào sản xuất.
Con tàu vỏ sắt của ông Nguyễn Duy Muộn ở phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) phát sinh hỏng hóc ngay từ khi mới đưa vào sản xuất.

Nợ đọng cả gốc lẫn lãi

Con tàu sắt hình thành từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của anh Trương Đình Sòng,  ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa  sau hơn nửa năm neo bến Lạch Trường (Hoằng Hóa)  giờ đã được di chuyển, bàn giao cho cơ quan chức năng bán đấu giá tài sản. 5 năm trước, anh mạnh dạn đăng ký, làm thủ tục, được thẩm định vay hơn 14 tỷ đồng vốn ưu đãi đóng tàu thép vươn ra biển lớn đánh bắt hải sản. Hướng tới ngư trường phía nam, hoạt động đánh bắt mới bắt đầu có lãi thì không ngờ cuối tháng 4-2019 anh Sòng đổ bệnh. Điều trị dài ngày ở các bệnh viện tuyến tỉnh, rồi trung ương, anh Sòng không vượt qua được bạo bệnh. Hai con trai của anh không nối nghiệp cha, con tàu hết nằm lưu bến ở tỉnh Bình Định lại được đưa về bến Lạch Trường. Vợ anh, kinh doanh hàng tạp phẩm, giờ thêm vất vả, lo lắng bởi khoản nợ lớn do con tàu sắt đậu lưu bến cá dài ngày càng thêm xuống cấp trầm trọng, buộc ngân hàng phải ra tay xử lý công nợ.

Được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thẩm định, cho vay 14,1 tỷ đồng đóng  tàu vỏ thép TH-91709-TS, con tàu công suất 822 CV của ông Lê Văn Lực ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa hiện vẫn vươn khơi, bám biển, tạo việc làm cho 10 lao động, với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng. Tiếp cận chủ tàu, chúng tôi cũng nhận được phản ánh về những hỏng hóc phát sinh, chi phí đầu tư lớn, nên hạch toán chủ yếu là hòa, hoặc lỗ vốn sau mỗi chuyến vươn khơi. Hạ thủy, đưa vào khai thác đã được bốn năm nhưng ông Lực mới trả được hơn 130 triệu đồng tiền lãi, không trả được một đồng tiền gốc nào. Hiện chủ tàu vẫn nợ 14,1 tỷ đồng, trong đó có gần 2,7 tỷ đồng  tiền gốc đến kỳ phải trả; ngoài ra còn nợ đọng hơn ba tỷ đồng tiền lãi. Do gia đình ông Lực vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo phân kỳ, Agribank đã khởi kiện ra tòa.

Nghệ An  là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước về nâng cấp, đóng mới tàu 67. Các ngân hàng thương mại ở Nghệ An đã giải ngân 860 tỷ đồng giúp ngư dân trong tỉnh đóng 104 tàu với công suất máy từ 800 CV trở lên.  Nhờ tàu to, máy lớn nên các đội tàu 67 Nghệ An đã bám ngư trường biển xa ở Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ…, đánh bắt được nhiều hải sản có giá trị cũng như trở thành những “cột mốc sống” trên biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện có hơn một nửa số tàu 67 ở Nghệ An đang làm ăn cầm chừng, không hiệu quả, đồng nghĩa với việc không trả nợ ngân hàng đúng cam kết và như vậy cũng đồng nghĩa khoản hỗ trợ lãi suất của Nhà nước bị cắt, khiến họ  càng lao đao và có nguy cơ phá sản, trắng tay. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An: Tính đến hết tháng 8-2020, trong số 104 tàu 67 của tỉnh được ngân hàng cho vay vốn có tới 100 tàu hiện đang còn nợ ngân hàng với tổng dư nợ 675 tỷ đồng. Trong đó: bốn tàu không thể hoạt động do gặp rủi ro trong quá trình khai thác với dư nợ 28 tỷ đồng; sáu tàu không hoạt động do khai thác không hiệu quả hoặc đã bàn giao tàu cho ngân hàng với dư nợ 43,8 tỷ đồng; 54 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả nợ gốc và lãi theo cam kết, dư nợ 412,3 tỷ đồng... 

Ngân hàng khởi kiện, phát mại tài sản

Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan khiến nhiều tàu 67 ở hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An thua lỗ, đứng trước nguy cơ bị ngân hàng thu hồi, phát mại. Trước hết, do các ngư trường lớn như Vịnh Bắc Bộ đang bị cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, làm ăn khó khăn lại lắm rủi ro. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, một số tàu đánh bắt không hiệu quả, do nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, mà theo lời các ngư dân là “mất mùa biển”, nhất là đối với phương tiện đánh bắt bằng lưới rê xù - đánh bắt cá thu. Anh Hoàng Văn Ngoan, ở khối Thân Ái, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), chủ tàu NA 99869 TS cho biết: Do mất mùa biển, nên chuyến đi biển kéo dài đúng một tuần lễ vừa qua, tàu chỉ đánh bắt được 97,8 kg cá thu, bán được 7,53 triệu đồng; trong lúc chi phí chuyến đi biển mất hơn 70 triệu đồng. Giá cá thu những năm trước khoảng 150 nghìn đồng/kg thì nay từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg… Thua lỗ kéo dài, anh Ngoan không có khả năng trả nợ  ngân hàng.

Một vấn đề quan trọng là nhiều chủ tàu 67 thiếu vốn lưu động để đầu tư thay đổi ngư lưới cụ, khi ngư lưới cũ đánh bắt không hiệu quả. Mặc dù theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP là ngư dân chỉ cần dùng con tàu hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp mà không phải dùng tài sản khác để thế chấp, nhưng trong quá trình đóng tàu 67, các ngân hàng đã nắm phần chắc về mình, khi đều bắt ngư dân ký thỏa thuận, thống nhất bổ sung thêm tài sản bảo đảm khác ngoài con tàu như: nhà, đất để vay vốn đóng tàu. Có nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) hay Hoằng Hóa, Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngoài bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của gia đình còn mượn thêm nhiều bìa đỏ của anh em, người thân để thế chấp. Do tài sản có giá trị đã cầm cố để giải ngân vốn đóng tàu xa bờ nên khi tàu làm ăn gặp khó khăn, ngư dân hầu như không còn  tài sản để thế chấp vay vốn nhằm thay đổi ngư lưới cụ.

Nợ kéo dài, các ngân hàng buộc khởi kiện  chủ tàu ra tòa, phát mại tài sản là các con tàu. Chỉ tính riêng Nghệ An đã có 20 khách hàng đang bị các ngân hàng khởi kiện hoặc cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thu hồi vốn cho ngân hàng.  Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thông qua hình thức khởi kiện ra tòa thường mất nhiều thời gian; quá trình xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển thông qua thi hành án hoặc tự xử lý bị kéo dài do nhu cầu về tàu đánh bắt cá giảm mạnh so với lúc đóng mới; đồng thời, phát sinh nhiều chi phí khác như chi phí bảo quản, bảo dưỡng con tàu. Có những con tàu đã tổ chức đấu giá  lần thứ 5, kéo dài nhiều tháng trời nhưng vẫn chưa có người mua, trong lúc chi phí bảo quản tàu mất hàng triệu đồng mỗi ngày.

Để tìm hướng ra cho tàu 67, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm gỡ vướng, giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi trở lại. Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu  (Nghệ An) Hoàng Văn Bộ đề nghị: Trước khó khăn thực tế nêu trên, biển mất mùa, ảnh hưởng dịch Covid-19, Chính phủ và ngân hàng cần có chính sách khoan nợ, giãn nợ cho ngư dân để họ tiếp tục vươn khơi bám biển; có như vậy họ mới có điều kiện tiếp tục trả nợ ngân hàng. Không chỉ bám biển đánh bắt hải sản, ngư dân còn là “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo.  Một số ý kiến thì  kiến nghị các bộ, ngành trung ương có cơ chế cho phép ngư dân chuyển nhượng lại cho người có nhu cầu và năng lực về tài chính, cũng như khả năng đánh bắt đối với các tàu hoạt động không hiệu quả. Khi mua lại, chủ tàu mới phải gánh luôn cả khoản nợ trước đó của chủ tàu cũ. Dù việc chuyển nhượng sẽ giúp có cơ hội phát huy hiệu quả con tàu song để tránh những xung đột trách nhiệm nếu không may tàu bị sự cố thì phải đợi quy định của các cơ quan chức năng, đồng thời đợi Bộ Tài chính xem xét thông qua cơ chế hỗ trợ lãi suất về vốn đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu cũ. Điều này lý giải vì sao cả tỉnh Nghệ An mới chỉ thực hiện chuyển đổi chủ tàu cho một trường hợp duy nhất tại Ngân hàng  Công thương Bắc Nghệ An, đó là chủ tàu Đặng Đức Tiến chuyển đổi cho chủ tàu Hoàng Văn Lượng.

Nhiều ngư dân và Hiệp hội nghề cá Nghệ An, Thanh Hóa đã có đơn kiến nghị gửi các cấp, ngành, đề nghị các ngân hàng giải chấp các tài sản thế chấp ở ngân hàng.  Phó Chi cục trưởng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) Nguyễn Đức Cường cho biết: Cơ quan chức năng trong tỉnh đang kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân, thông qua việc giảm lãi suất vay vốn và gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; đề nghị các ngân hàng khơi thông nguồn vốn để các doanh nghiệp chuyển hướng, chuyển đổi từ khai thác sang bảo quản, chế biến các sản phẩm thủy sản.