Ngăn chặn tệ nạn ma túy tại cơ sở kinh doanh có điều kiện

Gần đây, trên cả nước, liên tục xuất hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên tụ tập tại quán bar, ka-ra-ô-kê (cơ sở kinh doanh có điều kiện) rủ nhau sử dụng ma túy tập thể. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an các địa phương đã và đang triển khai lực lượng đấu tranh, phát hiện, xử lý nghiêm.

“Sóng ngầm” tại nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ

Vấn nạn sử dụng ma túy tập thể tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện đang ngày càng phức tạp và tập trung nhiều tại các thành phố, đô thị lớn, nơi tập trung nhiều hàng quán kinh doanh dịch vụ. Ðiển hình như quận Hoàn Kiếm, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa du lịch của Thủ đô Hà Nội, hằng năm thu hút lượng lớn du khách quốc tế và người dân các tỉnh, quận, huyện tập trung về đây làm ăn sinh sống, vui chơi, giải trí. Ðể đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ cũng phát triển theo.

Theo thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm, hiện trên địa bàn quận có 971 cơ sở ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về an ninh trật tự (ANTT) gồm: 535 cơ sở (ka-ra-ô-kê, cơ sở lưu trú) kinh doanh có điều kiện quản lý theo Nghị định 96/NÐ-CP; 436 cơ sở (bar, cà-phê âm nhạc, hát cho nhau nghe) kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT, quản lý theo Kế hoạch 229/CAHN. Cũng qua rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm đã đưa 27 cơ sở vào diện quản lý nghi vấn phức tạp về ANTT; đưa 23 cơ sở vào diện nghi vấn phức tạp về ma túy; đưa bốn cơ sở vào diện nghi vấn phức tạp về hình sự. Theo Trung tá Nguyễn Thiện Chiến, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm, qua công tác quản lý địa bàn nhận thấy một thực tế là nhiều cơ sở không có đủ điều kiện về ANTT, phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng chủ cơ sở vẫn cố tình đưa vào hoạt động. Không chấp hành đầy đủ các quy định như: kinh doanh quá giờ, kinh doanh, mua bán, sử dụng bóng cười; shi-sha, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Ðáng chú ý là việc các đối tượng lợi dụng tình trạng những cơ sở kinh doanh quản lý lỏng lẻo để mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Thực trạng nêu trên tại quận Hoàn Kiếm không phải là cá biệt mà đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tại tỉnh Ðồng Nai, tháng 7-2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát cơ động và Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai đột kích kiểm tra quán bar Romance tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, phát hiện hơn 260 đối tượng đang vui chơi, nhảy nhót trong tiếng nhạc lớn. Tại nhiều bàn, cả nam và nữ thanh niên đang sử dụng trái phép chất ma túy, nhiều đối tượng có biểu hiện “phê”. Công an thu giữ hàng chục viên nén, gói ma túy và đồ dùng để sử dụng trái phép chất ma túy của các đối tượng. Qua kiểm tra nhanh, gần 100 đối tượng dương tính với các chất ma túy. Một số dân chơi ở Ðồng Nai cho biết, quán bar Romance là tụ điểm ăn chơi khá nổi tiếng của nhiều thanh thiếu niên, mục đích là vào đây để có chỗ sử dụng ma túy. Quán bar này từng bị Công an huyện Trảng Bom lập biên bản xử lý vi phạm vì để khách vào sử dụng trái phép chất ma túy. Vụ việc này chỉ là số nhỏ trong rất nhiều vụ việc tụ tập sử dụng ma túy trong quán bar, ka-ra-ô-kê, cơ sở lưu trú đã được lực lượng công an phát hiện trong thời gian gần đây, cho thấy những “bữa tiệc ma túy” đang như một cơn sóng ngầm lan tràn vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Còn nhiều lỗ hổng

Tại các địa phương, hầu hết cơ sở kinh doanh có điều kiện đều được lực lượng công an mở hồ sơ theo dõi, quản lý, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế, đó là ở nhiều nơi công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng thực hiện chưa thường xuyên, chưa chủ động. Công tác quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, kinh doanh lưu trú còn sơ hở, chưa chặt chẽ, vẫn để cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT kinh doanh quá giờ quy định, cơ sở không đủ điều kiện về ANTT, PCCC vẫn hoạt động. Công tác xử lý vi phạm hành chính chưa đạt kết quả tương xứng với tình hình vi phạm hiện nay.

Qua trao đổi, một số đơn vị công an cho rằng, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT còn chồng chéo. Vì lợi nhuận, một số chủ cơ sở không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh, kéo dài thời gian hoạt động. Ngoài ra, do muốn thu hút khách hàng, nhiều cơ sở lén lút kinh doanh bóng cười, shi-sha, thậm chí tiếp tay hoặc làm ngơ cho các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Một điều đáng quan tâm là chưa có quy định cụ thể về loại hình kinh doanh quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh, trong khi đây là loại hình kinh doanh thường có nhiều vi phạm và tiềm ẩn mất ANTT. Các loại hình này được cấp phép hoạt động khá đơn giản (chỉ cần xin các giấy phép mở nhà hàng ăn uống, xin giấy phép bán rượu, thuốc lá và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật) mà không cần cơ quan chức năng cấp giấy bảo đảm về ANTT. Mức độ vi phạm của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, chủ yếu mang tính chất vi phạm hành chính, trong khi một số trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt hành chính.

Thực trạng nêu trên cho thấy, đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và đưa ra những giải pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ, ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn ma túy xảy ra trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.