Nắng nóng trên diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Ðông có vị trí ở vào khoảng 15,0 - 16,0 độ vĩ bắc; 116,5 - 117,5 độ kinh đông. Ðến 13 giờ ngày 9-8, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng bắc đông bắc.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực giữa Biển Ðông nối với vùng áp thấp phân tích trên kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam cho nên trong ngày 9-8 ở khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Ðịnh đến Ninh Thuận, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6, cấp 7. Ở khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Biển động. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên vùng khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

* Từ ngày 9-8, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với hiệu ứng phơn cho nên ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc, Trung Trung Bộ và một số nơi ở đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34 đến 36oC; có nơi hơn 36oC. Từ ngày 10-8, nắng nóng xảy ra diện rộng ở các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên và đồng bằng Bắc Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 36oC, có nơi hơn 37oC. Ðợt nắng nóng này ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 12-8. Ở các tỉnh Trung Bộ nắng nóng diện rộng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13-8.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

* Từ 19 giờ ngày 7-8 đến 7 giờ ngày 8-8, ở khu vực miền núi phía bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên rải rác có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, một số trạm có lượng mưa lớn như: Cao Bồ (Hà Giang) 52 mm, Thủy điện Nam Ngân (Hà Giang) 56 mm, Thượng Sơn (Hà Giang) 42 mm, Chiềng Mai (Sơn La) 49 mm, Hữu Khuông 2 (Nghệ An) 48 mm, Thủy điện Ia Grai 1 (Gia Lai) 117 mm, Thủy điện Ia Hrung (Gia Lai) 114 mm, Thủy điện Ðắk Sin 1 (Ðắk Nông) 50 mm, La Tơi (Kon Tum) 50 mm...

* Trên địa bàn xã Nhị Mỹ (Cao Lãnh, Ðồng Tháp) vừa xảy ra vụ sạt lở bờ sông Cần Lố làm hai nhà bị cuốn trôi, cắt đứt đoạn đường ấp Nguyễn Cử ra chợ xã Nhị Mỹ, làm hỏng hơn 50 m đường nhựa và từ bờ sông lở sâu vào đất liền hơn 15 m. Hiện còn hơn 10 nhà nằm sát bờ sông sạt lở từ 5 đến 10 m, rất nguy hiểm. Huyện Cao Lãnh đã cử đội thi công sử dụng vật liệu nhằm bảo vệ bờ sông và hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị lở xuống sông hai triệu đồng.

* Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT và BVTV) tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện trên cây trồng vụ mùa như lúa, ngô, rau màu các loại đã xuất hiện sâu bệnh gây hại. Tại huyện Phù Ninh, sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở hầu hết diện tích lúa mùa, tổng diện tích nhiễm hơn 200 ha, trong đó gây hại chủ yếu trên diện tích lúa mùa trà sớm với mật độ phổ biến từ 1,9 đến 14 con/m2. Trên diện tích ngô hè thu, sâu keo mùa thu gây hại nặng hơn 21 ha. Ở huyện Thanh Sơn, diện tích chè vụ hè thu xuất hiện nhện đỏ gây hại nhẹ đến trung bình trên tổng diện tích 460 ha; bọ cánh tơ gây hại gần 540 ha...

* Theo Chi cục TT và BVTV Nam Ðịnh, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho rầy phát sinh gây hại lúa, mật độ cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018, 2019 (từ 3 đến 5 lần). Ðến nay, toàn tỉnh đã tổ chức phun thuốc trừ rầy để phòng ngừa bệnh lùn sọc đen tập trung cho 27.615 ha/31.683 ha cần trừ (87,2% diện tích) đạt hiệu quả cao. Bệnh sâu cuốn lá nhỏ cũng đang nở rộ chủ yếu 2, 3 tuổi tập trung ở những diện tích lúa của các huyện: Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu, Vụ Bản...

PV và CTV