Nắng nóng tăng dần trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

* Hơn 300 triệu con tôm giống ở Trà Vinh chết do thời tiết

Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư nhận định: Trong những ngày cuối tháng 4 và dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các khu vực trên cả nước đều có xu hướng giảm mưa, tăng nắng nóng.

Nông dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thu hoạch tôm. Ảnh: HÒA AN
Nông dân huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thu hoạch tôm. Ảnh: HÒA AN

Cụ thể, vào ngày 27 và 28-4, không khí lạnh suy yếu và di chuyển ra phía đông, Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, ngày 29 và 30-4, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi một bộ phận không khí lạnh ở phía bắc, mưa rào và dông có khả năng quay trở lại trên khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ giảm nhẹ. Ðối với các tỉnh miền trung: Từ ngày 27 đến 30-4, có mưa vài nơi, ngày xuất hiện nắng; nhiệt độ tăng dần và tăng nhanh hơn trong hai ngày 29 và 30-4 với nhiệt độ cao nhất đạt mức 32 đến 34 độ. Từ ngày 1 đến 3-5, thời tiết khu vực này phổ biến không mưa, ngày nắng, một số nơi có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ. Nắng nóng ở Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm trong những ngày sắp tới.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được 2.354 công trình thủy lợi, gồm 1.190 hồ chứa, 972 đập dâng, 130 trạm bơm, tưới cho 202.166 ha cây trồng có nhu cầu tưới nước. Trong đó, diện tích cây cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên được tưới từ các công trình thủy lợi mới đạt 19,3%. Số diện tích cà-phê còn lại là 80,7% phải tưới bằng các nguồn nước khác như sông, suối, nước ngầm... Ngay trong mùa khô năm 2015 này, ở Tây Nguyên đã có hàng trăm công trình thủy lợi, hàng nghìn dòng suối bị khô cạn, làm cho hàng chục nghìn ha cà- phê bị thiếu nước tưới, khô cháy, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ sản xuất cà-phê.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Cao Bằng, hiện tại, dịch châu chấu đã bùng phát khá mạnh tại các huyện Thông Nông, Hòa An, Nguyên Bình, Hạ Lang... với hơn 300 ha cây trồng bị gây hại. Dự báo đến hết tháng 4, châu chấu non sẽ phát tán, di chuyển diện rộng, đến tháng 5 ở giai đoạn trưởng thành, phá hoại mạnh trên các loại cây trồng. Chi cục khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình dịch châu chấu. Nếu có hiện tượng tái nhiễm hoặc diện tích nhiễm mới, cần báo ngay cho ngành chức năng để phun thuốc phòng trừ kịp thời, tránh để dịch lan rộng.

Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 3.000 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với số lượng hơn 300 triệu con giống (trên diện tích 2.245 ha mặt nước) bị chết. Trong đó, huyện Cầu Ngang, Duyên Hải là địa bàn có tôm nuôi bị thiệt hại nhiều nhất, chiếm hơn 20% số diện tích thả nuôi. Nguyên nhân tôm chết là do thời tiết diễn biến phức tạp; ngoài ra, tình trạng con giống kém chất lượng không rõ nguồn gốc là nguyên nhân khiến tôm chết. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành phân bổ 30 tấn chlorine tới các địa bàn có tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại nhiều và phối hợp Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở bán tôm giống.