Nắng nóng gay gắt trên diện rộng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (6-7), ở Bắc Bộ có nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 38 độ C.

Từ ngày 9-7, nắng nóng sẽ gia tăng ở Bắc Bộ, trung du và đồng bằng có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 đến 39 độ C, có nơi hơn 39 độ C. Từ ngày 8-7, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, gia tăng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 đến 40 độ C, có nơi hơn 40 độ C. Ðợt nắng nóng diện rộng và gay gắt ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày.

* Ngày 5-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện gửi Trưởng ban Chỉ huy PCTT các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Ðiện Biên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ; cùng các bộ liên quan về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Những ngày qua, mưa lũ diễn biến phức tạp gây thiệt hại về người và tài sản của người dân các tỉnh miền núi phía bắc. Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ. Ðồng thời, các tỉnh có kế hoạch, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra thiên tai. Kiểm tra, rà soát những vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để có phương án di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bảo đảm an toàn hồ đập; triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn; không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố...

* Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, mưa to tại tỉnh Lào Cai từ ngày 2 đến 4-7, đã khiến 28 nhà dân bị ảnh hưởng; 27,5 ha lúa, mạ bị ngập; 7.600 m2 ao bị tràn, vỡ. Mưa lũ cũng khiến sạt lở đập và nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã bị ngập úng và sạt lở... Thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng.

* Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão TP Hà Nội đặt mục tiêu tất cả chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình tại thành phố được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; tất cả lực lượng PCTT được đào tạo kỹ năng về PCTT; tất cả số hộ dân tại khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi tránh, trú bảo đảm an toàn...

* Ðến nay, tuyến đê biển Hải Hậu (Nam Ðịnh) đã cơ bản được kiên cố nâng cấp nhưng chỉ có khả năng chống được bão cấp 9, còn 10 km chưa được kiên cố, nhiều đoạn bị sụt sạt, có nguy cơ cao trong mùa bão.

* Vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy 22.000 ha lúa. Do diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh đã chuyển đổi khoảng 700 ha lúa sang trồng các loại cây chịu hạn cao, ngắn ngày, sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm… để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ngành nông nghiệp đề nghị tỉnh bố trí 1,69 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương chống hạn.

* Theo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Ðịnh, hiện có khoảng 200 hợp tác xã nông nghiệp lấy nước tưới của công ty. Trong đó, khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp có lực lượng thủy nông nội đồng rất yếu, khiến việc dẫn nước đến ruộng cho nông dân gặp khó khăn, nhất là không thể thực hiện được việc tưới tiết kiệm.

* Tính đến thời điểm này, tại tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 33 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 900 m, diện tích mất đất gần 4.700 m2, ước tổng thiệt hại hơn 2,3 tỷ đồng. Dự báo trong thời gian tới, sạt lở sẽ diễn biến phức tạp, tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp để PCTT, sạt lở đất nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân.

* Ðêm 4-7, tại chợ kênh 17 thuộc tuyến kênh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra vụ sạt lở nhấn chìm 14 nhà dân. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 27 vị trí sạt lở nguy hiểm ven sông, với tổng chiều dài hơn 37.000 m.

* Vụ 1 năm 2020, sản lượng nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hơn 1.000 tấn, đạt 30% so kế hoạch năm. Do tác động của nhiều yếu tố, việc nuôi tôm ở đây gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thả tôm vụ mới thì người nuôi cũng mong chính quyền quản lý chặt về chất lượng nguồn thức ăn, sản phẩm, xử lý môi trường...

* Tỉnh Hà Tĩnh cho phép huyện Vũ Quang triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lồng bè trong lòng hồ Ngàn Trươi. Dự kiến, mô hình có diện tích khoảng 2 ha nhằm tạo việc làm, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương... Mô hình sẽ triển khai vào tháng 10 với khoảng 30 đến 40 lồng bè.