Mưa lớn ở Trung Bộ, đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao cho nên ngày 15-10, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Từ ngày 14 đến 16-10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (lượng mưa phổ biến từ 30 đến 70 mm/24 giờ, có nơi hơn 120 mm/24 giờ); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7; biển động.

★ Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cũng cho biết, trạng thái chuyển lạnh kèm mưa dông khiến các tỉnh miền núi có nguy cơ xảy ra sạt lở như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên từ ngày 14 đến 17-10.

★ Sáng 14-10, không khí lạnh đã ảnh hưởng yếu đến các tỉnh vùng núi phía bắc, nhiệt độ đo được ở Sa Pa (Lào Cai) ở mức 15,6oC, ở Sìn Hồ (Lai Châu), ở mức 14,4oC, trời rét.

★ Do ảnh hưởng của không khí lạnh, tại Lai Châu và Hà Tĩnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Ở Lai Châu, tại Pa Nậm Cúm (huyện Phong Thổ), lượng mưa đo được là 83 mm. Tại Hà Tĩnh, lượng mưa phổ biến từ 30 đến 70 mm, có nơi tới 90 mm như: Hương Khê 89,9 mm, Kỳ Anh 64,8 mm, Hương Vĩnh 59,4 mm…

★ Trước đó, ngày 13-10, một cơn mưa lớn kéo dài khoảng hơn hai giờ đã làm cho nhiều tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bị ngập, nước tràn vào nhà của gần 100 hộ dân, ngập sâu từ 0,5 đến 1,5 m. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, vận chuyển đồ đạc, tài sản, đồng thời tìm kiếm, sắp xếp chỗ ở giúp họ ổn định cuộc sống.

★ Ngày 14-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ cho biết, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch ở thành phố đang tiếp tục lên và sẽ vượt báo động 3 trong vài ngày tới. Dự báo, mực nước đỉnh triều đạt đỉnh vào các ngày 16, 17-10, cần đề phòng có mưa lớn gây ngập lụt kéo dài. Thành phố đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan nắm chắc thông tin về diễn biến của triều cường, mưa, lũ để chủ động đưa ra các giải pháp phòng tránh cũng như kịp thời thông tin để người dân biết và ứng phó.

★ Ngày 14-10, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, có sáu huyện, 167 xã trong tỉnh tái phát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 1.330 con lợn mắc dịch, tổng trọng lượng 81.224 kg của 217 hộ chăn nuôi. Hiện trên địa bàn còn các ổ DTLCP chưa qua 30 ngày ở 1.768 thôn, 382 xã, thuộc 25 huyện, thị xã, thành phố.

★ Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc tái đàn lợn vì DTLCP vẫn chưa khống chế được. Theo đó sẽ ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch, các xã đã hết dịch (ổ DTLCP đã qua 30 ngày) và ưu tiên tái đàn ở các trang trại lớn bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học.

★ Ủy ban MTTQ tỉnh An Giang vừa đến thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ 11 hộ dân ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, bị ảnh hưởng do sạt lở, mỗi gia đình năm triệu đồng; động viên người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, đề nghị địa phương phân công lực lượng theo dõi tình hình sạt lở để cảnh báo người dân biết, không di chuyển vào khu vực sạt lở...

★ Vào lúc 16 giờ ngày 14-10, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 413 đã cứu nạn, lai dắt thành công tàu cá BV 98695 TS cập cảng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn Hàng hải khu vực 3 (trung tâm) tại TP Vũng Tàu. Tàu cá đã được bàn giao cho cơ quan chức năng địa phương và chủ tàu. Trước đó, vào hồi 1 giờ 35 phút cùng ngày, tàu cá BV 98695 TS thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (do bà Cao Thị Giàu, quê quán: phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu, làm chủ) trong khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 30 hải lý thì bị nước tràn vào hầm máy, có nguy cơ chìm. Trên tàu có bốn thuyền viên, chủ tàu yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau đó, Trung tâm đã điều động tàu chuyên dụng SAR 413 khẩn trương đi ứng cứu, đến 5 giờ 15 phút cùng ngày, tàu SAR 413 đã tiếp cận tàu bị nạn.