Lũ quét, sét đánh gây thiệt hại nặng tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang

Rạng sáng 24-6, tại huyện Sa Pa (Lào Cai) xảy ra lũ quét làm sập cầu treo bắc qua suối Bản Hồ, cô lập xã Bản Hồ với bên ngoài. Ngoài ra, lũ quét làm ngập úng, cuốn trôi ba ô-tô và nhiều tài sản của 20 hộ dân. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xuống địa bàn giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Ðoạn Km 301+400 quốc lộ 4H trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hà Dũng
Ðoạn Km 301+400 quốc lộ 4H trên địa bàn huyện Mường Tè (Lai Châu) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Hà Dũng

* Từ đêm 23 đến sáng 24-6, tỉnh Lai Châu có mưa to, một số nơi mưa rất to, làm xuất hiện lũ quét trên suối Hua Bum (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) và suối Nậm Sì Lường (xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè) cuốn trôi bốn người. Ngoài ra, lũ cũng cuốn trôi bảy nhà dân ở huyện Mường Tè, 27 nhà dân phải di dời khẩn cấp, nhiều hoa màu, ao cá bị vùi lấp, cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều tuyến đường gây ách tắc giao thông; một số tuyến đường liên xã của hai huyện Mường Tè, Nậm Nhùn bị sạt lở. Tổng thiệt hại về tài sản hơn 15 tỷ đồng. Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân bị thiên tai khắc phục hậu quả.

* Tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vừa xảy ra mưa to kèm theo sét đánh làm một người chết, ba người bị thương. UBND huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 6,4 triệu đồng cho gia đình có người bị thiệt mạng; 1 triệu đồng/người bị thương. Ðêm 23 rạng sáng 24-6, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ, Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh cảnh báo thời gian tới có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng, đô thị nên người dân cần chủ động ứng phó.

* Nhằm chủ động ứng phó với mưa, lũ, ngày 24-6, UBND tỉnh Hòa Bình có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương có các biện pháp ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra, chủ động sơ tán nhân dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Hiện nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) có 910 hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra thiên tai. UBND huyện đang tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người dân khi có lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

* Ngày 24-6, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công điện số 04/CÐ-TW, điện các tỉnh miền núi phía bắc, các bộ, ngành liên quan chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ bất thường, thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới. Các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin đến người dân chủ động ứng phó; kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; chỉ đạo các hội đồng thi THPT quốc gia lựa chọn các điểm thi bảo đảm an toàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực tổ chức thi, bảo đảm an toàn giao thông chung quanh các điểm thi.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, từ ngày 23 đến sáng 24-6, khu vực miền núi phía bắc có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60 mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sìn Hồ (Lai Châu) 81 mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 80 mm, Sa Pa (Lào Cai) 94 mm, Bến Triều (Quảng Ninh) 63 mm, Bắc Quang (Hà Giang) 150 mm, Lục Nam (Bắc Giang) 61 mm…

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (25-6), ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông; các tỉnh vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm/24 giờ, có nơi hơn 150 mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo, mưa lớn cục bộ có khả năng xảy ra ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ trong đêm 25 và sáng 26-6. Trên các sông, suối vùng núi phía bắc xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 m đến 3 m; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La).

★ Thời gian qua, tại các tỉnh miền trung nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ cạn nước, hàng nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước trên các sông, hồ đều thấp hơn trung bình hằng năm. Ðặc biệt, tại đập ngăn mặn Cửa Lác, mực nước thấp hơn cùng kỳ các năm trước từ 0,4 đến 0,6 m. Hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu đang đối mặt với khô hạn. Còn ở Nghệ An, nắng nóng kéo dài khiến hàng nghìn héc-ta lúa ở các huyện Hưng Nguyên, Ðô Lương, Tân Kỳ thiếu nước, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Riêng huyện Tân Kỳ có 115 hồ đập lớn nhỏ nhưng hiện có hơn 70 hồ đập mực nước chỉ còn hơn 30% và hơn 600 ha lúa bị thiếu nước. Tại tỉnh Hà Tĩnh, nắng nóng khiến nhiều hồ đập trên địa bàn bị khô cạn nước, trong đó tại hồ Kẻ Gỗ mực nước đã xuống 23 m
(cao trình bình thường của hồ là 32 m). Nhiều diện tích lúa ở các huyện Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê… đã bị hạn, trong đó 500 ha lúa ở huyện Hương Khê có nguy cơ mất trắng. Tại Phú Yên, nhiều diện tích lúa bị thiếu nước ngay từ đầu vụ. Trong đó, xã An Ninh Ðông (huyện Tuy An) có hơn 110 ha không có nước làm đất gieo sạ. Ngoài ra, tại huyện Phú Hòa cũng đang có khoảng 200 ha thiếu nước tưới. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nắng nóng kéo dài khiến hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở vùng núi, nhiều khe, suối đều khô cạn nước. Một số công trình cấp nước chuẩn bị ngừng hoạt động do thiếu nguồn nước.

★ Tại tỉnh Phú Yên vừa xuất hiện thêm hai ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại huyện Sông Hinh. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 17 con bị bệnh; đồng thời cắm biển thông báo vùng có dịch; thành lập tổ lưu động kiểm soát và phun thuốc tiêu độc sát trùng tại ổ bệnh và vùng chung quanh. Ngày 24-6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vừa phát hiện hai ổ DTLCP tại huyện Châu Ðức và TP Bà Rịa. Ðây là hai ổ dịch đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Cơ quan thú y và địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh và phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch. Ðến ngày 24-6, tại Cà Mau, DTLCP đã xuất hiện ở 18 xã của sáu huyện với số lợn bệnh tiêu hủy hơn 376 con, số tiền hỗ trợ ước hơn 750 triệu đồng. Dịch vẫn đang có chiều hướng lây lan mạnh trên địa bàn toàn tỉnh. Tại huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên), DTLCP đã xảy ra tại 22/24 xã, thị trấn với số lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy là 5.827 con. Ðến nay, huyện đã tiếp nhận 4.950 lít hóa chất, mua 125 tấn vôi bột và bố trí nguồn kinh phí hơn 700 triệu đồng để cấp cho các xã, thị trấn phòng, chống dịch.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong khi mưa, lũ diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía bắc thì tại các tỉnh Trung Bộ, nắng nóng vẫn tiếp tục. Toàn khu vực Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 đến 39oC, có nơi hơn 40oC. Nắng nóng ở Trung Bộ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.