Lợi thế lớn từ dân số ổn định

Những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, tỉnh đã thu được một số kết quả quan trọng.

Già làng dân tộc Cơ Ho ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) nói chuyện với con cháu về kế hoạch hóa gia đình.
Già làng dân tộc Cơ Ho ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) nói chuyện với con cháu về kế hoạch hóa gia đình.

Để người dân nắm bắt kịp thời những kiến thức về dân số một cách cặn kẽ, Chi cục DS-KHHGĐ Lâm Đồng chủ động phối hợp các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện triển khai tuyên truyền các hoạt động: Chăm sóc sức khỏe sinh sản; tác hại của hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh; thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Công tác truyền thông đã có nhiều đổi mới, phù hợp từng đối tượng, từng vùng cụ thể, trong đó ưu tiên những nơi có mức sinh cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay tập trung nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và sinh con một bề, nhóm đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, vị thành niên và thanh niên. Công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết cho cán bộ, người dân, nhất là đội ngũ làm công tác dân số - y tế cũng được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Nhờ vậy, đến nay, người dân đã nhận thức được những lợi ích khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ dần chấp nhận quy mô gia đình nhỏ “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con”. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép nội dung dân số vào chương trình công tác của từng đơn vị. Chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã quan tâm đến sức khỏe của bản thân, chú trọng sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa và tự nguyện tham gia các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Mặt khác, người dân đã hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh…

Chi cục trưởng DS - KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng Đinh Đức Thọ cho biết: Hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản liên quan đến công tác dân số và chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan lồng ghép công tác dân số vào chương trình công tác và đánh giá hằng năm của các đơn vị. Đáng chú ý, công tác dân số trên địa bàn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tham gia tích cực của những người có uy tín trong cộng đồng, như già làng, trưởng bản trong việc vận động người dân thực hiện chính sách dân số. Ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới” được ban hành, Chi cục DS - KHHGĐ chủ động tham mưu Sở Y tế trình Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trên địa bàn. Qua gần ba năm triển khai thực hiện đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược Dân số và sức khỏe tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017 - 2020 và một số đề án đã và đang triển khai. Để Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo tất cả 12 huyện, thành phố ban hành nghị quyết thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy, căn cứ tình hình thực tế của địa phương để đề ra nhiệm vụ và giải pháp có hiệu quả.

Công tác dân số không chỉ dừng lại ở việc sinh con ít hay nhiều mà đã được mở rộng với nhiều vấn đề như: Chất lượng dân số, quy mô và cơ cấu dân số; mất cân bằng giới tính và những vấn đề mới đặt ra… đúng như tinh thần Nghị quyết số 21 là chuyển công tác DS - KHHGĐ sang dân số và phát triển. Nhờ triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, cho nên công tác dân số ở Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực, người dân đã tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Một số chỉ tiêu cơ bản của công tác dân số đã đạt và vượt như: Tổng tỷ suất sinh giảm xuống còn 2,11 con/phụ nữ; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên còn 11,58%; tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 110 trẻ trai/100 trẻ gái; tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn là 73,9 tuổi (nam là 71,2 và nữ là 76,6 tuổi).