Lạng Sơn phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số

Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Lạng Sơn liên tiếp phải đối mặt với thiên tai, chịu thiệt hại đáng kể về người và tài sản. 

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: HỒNG XIÊM
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh: HỒNG XIÊM

Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Mới đây, tỉnh thực hiện dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số”, nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giảm đói nghèo, giảm sự bất bình đẳng giới do nghèo đói và lạc hậu; khắc phục tình trạng đi lại khó khăn và nâng cao dân trí. 

Theo đó, dự án gồm các tiểu dự án kết nối giao thông, tạo liên kết vùng đối với các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế (tổng số hơn 55 km đường); các tiểu dự án cấp nước tưới tiêu cho khoảng 506 ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5.000 hộ dân; di dời 30 hộ dân và ổn định dân cư đối với hơn 200 hộ đang sinh sống dọc hai bờ sông Thương nhằm khắc phục sự cố thiên tai trong mùa mưa lũ. Hệ thống các tuyến đường nối trung tâm xã với các thị trấn, thị xã cũng sẽ được phát triển nhằm tăng khả năng lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển dân sinh, kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, dự án còn giúp đồng bào dân tộc chủ động trong hoạt động sản xuất, bớt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết; từng bước xóa bỏ tập quán du canh, du cư, phá rừng làm nương, rẫy, tình trạng di dân tự do; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo đảm an ninh, quốc phòng. 

* Nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã vận động thành lập mới 117 hợp tác xã (HTX); thu nhập bình quân/năm của thành viên HTX là 48,7 triệu đồng. Phát huy thành quả đạt được, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025, có hơn 65% số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia là thành viên của tổ hợp tác, HTX; số HTX hoạt động tốt, khá chiếm hơn 70%; số lao động thành viên tổ hợp tác, HTX được tập huấn, dạy nghề đạt từ 70% trở lên… 

Để thực hiện các chỉ tiêu nêu trên, tỉnh đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX trên từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động  xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX; thực hiện chính sách ưu đãi  của Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, HTX; chú trọng hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, người lao động. Các tổ chức, cơ quan, ban, ngành liên quan chủ động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương; quan tâm việc hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất có sự gắn kết với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương thông qua việc tham gia có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, nhiệm vụ về phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được chính quyền địa phương giao, ủy thác. Thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu thành lập mới 150 tổ hợp tác và 100 HTX.