Lan tỏa cuộc thi tự hào Việt Nam

Tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phối hợp tổ chức phát động Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc mang tên “Tự hào Việt Nam” lần thứ 3, năm học 2019 - 2020, dành cho học sinh đang theo học các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước.

Theo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh, khơi dậy tinh thần ham mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung cuộc thi gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông; các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ, người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực, qua các thời kỳ; thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Theo đó, sau tám tuần thi, tại mỗi tỉnh, thành phố, 20 thí sinh được tham gia vòng thi chung kết cấp tỉnh, thành phố. Tối đa 65 thí sinh đại diện 63 tỉnh, thành phố sẽ tham gia vòng chung kết toàn quốc. Các đại diện tham gia vòng chung kết toàn quốc là các thí sinh cao điểm nhất, có thời gian làm bài thi ngắn nhất.

Có thể nói, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là đối với giới trẻ. Nhiều năm nay, dư luận xã hội, các bậc phụ huynh rất lo lắng khi con em mình không hiểu, không biết và không thích học lịch sử, thiếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Các bạn trẻ bị cuốn vào sức nóng của thời đại công nghệ với việc “lướt” rất nhanh các thông tin trên mạng mà quên đi những giá trị truyền thống sâu sắc, hào hùng và bất khuất của dân tộc. Có những bạn trẻ có ý thức trong việc học tập, nghiên cứu lịch sử, văn hóa nhưng lại chủ quan, phụ thuộc quá nhiều vào in-tơ-nét bởi cho rằng, mọi kiến thức đều có thể tra cứu, kiếm tìm được ngay với các nền tảng ứng dụng có sẵn trên mạng. Điều đó phần nào tạo ra sự đối phó, thực dụng trong học tập, trong tìm hiểu của một bộ phận thanh niên ngày nay. Chính vì vậy, kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử, về văn hóa, về con người, về quê hương, đất nước mình trong quá khứ cũng như hiện tại của không ít bạn trẻ còn rất hạn chế, thậm chí mờ nhạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng lối sống của một phận thanh niên hiện nay khá thực dụng thậm chí cơ hội, vô cảm, thiếu bản lĩnh, thiếu lý tưởng, thiếu ý chí trong cuộc sống.

Cuộc thi “Tự hào Việt Nam” chỉ thật sự thành công khi đủ sức để lan tỏa rộng rãi và mạnh mẽ trong giới trẻ, tạo ra một làn gió mới trong các bạn trẻ khi truy cập in-tơ-nét. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tạo ra môi trường, sân chơi, các cơ quan liên quan cần tiếp tục đưa cuộc thi đến với người trẻ bằng các hình thức khác nhau. Sẽ là không đủ nếu chỉ quảng bá về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ giới hạn trong một vài đối tượng thanh niên, mà cần đưa cuộc thi đến với từng nhà trường, thậm chí từng lớp học thông qua hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước và đến với cả các bạn trẻ đang học tập, sinh sống ở nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu này, cuộc thi cần được vận hành khoa học, liên tục, hấp dẫn và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của các bạn trẻ, qua đó thu hút ngày càng đông đảo người tham gia cuộc thi. Các cơ quan tổ chức cần dành thời gian, tâm huyết và trách nhiệm để đưa cuộc thi lan tỏa, tăng sức ảnh hưởng, tránh tình trạng phát động rồi để cuộc thi mờ dần trong sự biến đổi hằng ngày và đa dạng của nhịp sống xã hội…